Chi tiêu cho dược phẩm dự báo tiếp tục tăng
Việt Nam nằm trong số các thị trường dược mới nổi, được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi (Pharmerging) - động lực tăng trưởng của ngành dược thế giới – do tổ chức IQVIA Institute (trước đây là IMS Health and Quintiles) phân loại, tổng chi tiền thuốc của Việt Nam đã tăng với tốc độ CAGR 5 năm (2011-2016) là 12%, đạt 4,2 tỷ USD trong năm 2016. IQVIA dự báo tiền thuốc ở các nước pharmerging sẽ tiếp tục vượt mức trung bình của thế giới, với CAGR 6-9% trong giai đoạn 2018-2022.
Tiền thuốc bình quân đầu người ở Việt Nam - chiếm khoảng 32% tổng chi y tế bình quân đầu người (Chứng khoán ACB (ACBS) ước tính dựa trên số liệu năm 2015 của Ngân hàng Thế giới) – đã tăng 1,7 lần, từ 27,1 USD/người/năm trong năm 2011 lên 45,8 USD/người/năm vào năm 2016, theo Niên giám thống kê Y tế của Bộ Y tế. Tuy nhiên, con số này chỉ mới bằng khoảng một nửa mức trung bình của các nước pharmerging, phần nào cho thấy khả năng hạn chế của người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và chi trả cho dược phẩm, đặc biệt là các loại thuốc giá trị cao.
Ngoài ra, nguồn chi trả cho dược phẩm tại Việt Nam vốn chủ yếu đến từ khu vực tư nhân (83,5% trong năm 2015), tuy nhiên, Chính phủ cũng đã nỗ lực mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế và các dịch vụ y tế cơ bản. Theo số liệu Tổng cục thống kê, tính đến năm 2016, khoảng 82% dân số đã có bảo hiểm y tế và con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên trên 90% vào năm 2020 và 95% vào năm 2025.
Xu hướng tăng tiêu thụ thuốc vẫn duy trì liên tục trong những năm qua trong khi chi phí dược phẩm bình quân đầu người vẫn cho thấy khả năng tăng trưởng nếu so với mức trung bình của các thị trường dược mới nổi.
Với những luận điểm trên, ngành dược phẩm Việt Nam hiện nay đạt được một số thành tựu nhất định nhưng vẫn còn non trẻ, có tiềm năng tăng trưởng nhưng cần được đầu tư nhiều hơn khi hơn một nửa thị trường nguyên liệu và thuốc thành phẩm phụ thuộc vào nhập khẩu, ACBS nhận định. Bởi, mức chi tiêu cho dược phẩm của người dân sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, được thúc đẩy bởi các yếu tố như thu nhập cải thiện và nhu cầu chăm sóc sức khỏe do những thay đổi về nhân khẩu học, môi trường…
Sản phẩm chính trong nước chỉ dừng lại là thuốc generic
Trong khi đó, đa số các sản phẩm thuốc sản xuất trong nước cũng chỉ là thuốc phiên bản (generic), chủ yếu dùng cho các bệnh thông thường, trong khi thuốc bản quyền (patent) là các thương hiệu nước ngoài.
Phần lớn các nhà sản xuất dược phẩm niêm yết tại Việt Nam tham gia vào thị trường tân dược, mặc dù vẫn có một số công ty nổi tiếng về các sản phẩm đông dược (OPC, Traphaco (TRA)...). Theo hệ thống phân loại các giai đoạn phát triển khác nhau của WTO và UNCTAD đối với ngành dược thế giới, ngành dược Việt Nam thường nằm trong khoảng nhóm 2 và 33, nghĩa là có thể sản xuất một số loại thuốc generic4 và có khả năng xuất khẩu.
Được biết, các nhà máy dược phẩm trong nước hiện đã có khả năng sản xuất hầu như tất cả các dạng bào chế, từ dạng truyền thống như viên nén, viên nang, thuốc dạng lỏng, đến những hình thức mới như thuốc tiêm đông khô, thuốc giải phóng chậm... Tuy nhiên, do ít đầu tư vào các hoạt động R&D, sản phẩm được sản xuất nhiều nhất ở các công ty này là thuốc generic, nhưng không phải là các thế hệ đầu tiên hoặc có giá trị cao, mà có thể trùng lặp lẫn nhau. Chúng chủ yếu được sử dụng cho các bệnh thông thường và tập trung vào một số ít chức năng điều trị như kháng sinh, giảm đau, chống viêm…, trong khi các thuốc patent và thuốc đặc trị khác thường là thương hiệu nước ngoài.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất thuốc generic, nhà đầu tư thường đánh giá cao hơn những doanh nghiệp chú trọng nâng cấp công nghệ sản xuất, chất lượng và đưa ra các thuốc generic mới.
Người dân vẫn chuộng thuốc nhập
Một vấn đề đáng quan tâm khác trong ngành, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm ưu tiên cho dược phẩm sản xuất trong nước, người tiêu dùng không phải lúc nào cũng đặt niềm tin vào những sản phẩm này, ACBS đặt vấn đề.
Thực tế, sản xuất trong nước hiện chỉ mới đáp ứng chưa đến một nửa nhu cầu tiêu dùng thuốc tại Việt Nam, phần còn lại đến từ nguồn nhập khẩu. Pháp, Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc và Ý là 5 nước xuất khẩu thuốc lớn nhất vào Việt Nam. Giá trị thuốc nhập khẩu đã tăng với tốc độ CAGR 5 năm (2012-2017) là 10%, đạt 2,8 tỷ USD trong 2017.
Trong khi đó, sự phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do nguồn cung trong nước kém phát triển cũng là tình hình chung của các công ty dược Việt Nam, đặc biệt là mảng tân dược. Với hơn 90% nguyên liệu sản xuất và bao bì được nhập khẩu, các công ty dược trong nước có thể khó tránh khỏi những ảnh hưởng do biến động giá cả, nguồn cung và tỷ giá.
Trong khi đó, mặc dù là công ty tiên phong và duy nhất trong số các nhà sản xuất dược phẩm Việt Nam có sản xuất nguyên liệu kháng sinh từ năm 1993 nhưng Mekophar (MKP) gần đây đã bày tỏ ý định ngừng hoạt động này do cạnh tranh gay gắt, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Song, điểm sáng mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Dược phẩm 105/2016/QH13 hiệu lực ngày 6/4/2016, với nhiều điều khoản mới như ưu tiên nghiên cứu và sản xuất thuốc từ dược liệu có sẵn trong nước và ưu tiên các loại thuốc sản xuất trong nước. Trong chiến lược ngành đến năm 2020, chính phủ đặt mục tiêu đáp ứng 80% nhu cầu dược phẩm nội địa thông qua các nhà sản xuất thuốc trong nước. Tuy nhiên, dù là liệu nguyên liệu hay thành phẩm, với quy mô nguồn lực tài chính và nhân lực hạn hẹp cộng với đầu tư chưa mạnh cho hoạt động R&D, có thể sẽ cần rất nhiều thời gian để thấy được những thay đổi có ý nghĩa.
Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 375 triệu USD nguyên phụ liệu dược phẩm, 78% trong số đó là từ Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là 2 nguồn cung chi phí thấp cho nhiều nhà sản xuất thuốc trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển có tham gia sản xuất thuốc generic, dù rằng tần suất xuất hiện thuốc/nguyên liệu kém chất lượng xuất phát từ 2 quốc gia này cũng cao hơn những nguồn cung khác.
Tựu trung, kinh tế phát triển, thu nhập tăng, dân số lớn bắt đầu có dấu hiệu già hóa cộng với các vấn đề sức khỏe phát sinh do môi trường và quá trình công nghiệp hóa có thể là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng ngành. Tuy nhiên, làm thế nào để đưa ra các loại thuốc generic mới một cách nhanh chóng, gia tăng tỷ lệ thuốc có giá trị cao và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng cũng như khả năng cạnh tranh có thể sẽ là thách thức cho nhà sản xuất dược trong nước.
Doanh nghiệp dược mở cửa cho NĐT ngoại
Vi mô tại các doanh nghiệp, nhiều công ty dược trong nước hiện đã mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các tổ chức tài chính và đối tác chiến lược. Một vài công ty đã có thể nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên trên 49% sau nhiều năm giới hạn như Dược Hậu Giang (DHG) và Domesco (DMC). Hay việc Abbott sở hữu trên 49% (cụ thể là 51,7%) tại DMC ngay sau khi mở room, Taisho tăng sở hữu tại DHG lên 34,3% (và có thể cao hơn trong tương lai) hoặc Abbott mua lại Glomed Pharmaceutical cũng là những giao dịch được chú ý trong 2016-2017. PME gần đây cũng được chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% và cho phép Stada Service Holding B.V tăng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 72%.
Dù vẫn còn những ý kiến trái chiều nhưng việc hợp tác với các đối tác chiến lược nước ngoài cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước ở một số khía cạnh nhất định. Theo thống kê đến cuối năm ngoái, đứng đầu trong số 10 công ty dược niêm yết có doanh thu thuần và lãi trước thuế lớn nhất đồng thời có trên 50% doanh thu đến từ hoạt động tự sản xuất trong năm 2017 là DHG. TRA và PME có biên lợi nhuận gộp và biên lãi trước thuế cao nhất, trong khi PMC dẫn đầu về ROE trong năm 2017. Nhìn chung, hầu hết các công ty trong số này có tỷ lệ nợ thấp, với tỷ lệ nợ ròng/EBITDA âm (nghĩa là có tiền mặt ròng), ngoại trừ Dược phẩm Cửu Long (DCL).
Nguồn: ABCS.
Trên quan điểm ACBS, mặc dù mức độ hấp dẫn của từng doanh nghiệp cần được xem xét kỹ hơn về năng lực hoạt động và triển vọng tăng trưởng, nhưng hiện tại một số cổ phiếu dược phẩm niêm yết dường như đang giao dịch ở mức khá rẻ với P/E trailing 12T là 12-15x, ví dụ như PME, DBD, DMC, trong khi các cổ phiếu khác trong ngành đã ở mức khá hợp lý (trong báo cáo này chúng tôi tập trung quan sát các công ty sản xuất hơn các công ty phân phối).
Ngược lại, điểm chung của nhiều cổ phiếu dược là thanh khoản thấp có thể làm nản lòng những nhà đầu tư muốn mua khối lượng lớn trong thời gian ngắn.