Việc cạnh tranh với đường lậu cùng với những khó khăn chung của toàn ngành đưa giá đường trong nước liên tục giảm trong niên độ tài chính 2018/2019 (1/7/2018 - 30/6/2019) đã khiến hiệu quả kinh doanh của các DN đường trong nước đi xuống.
Lợi nhuận lao dốc theo giá đường
Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS) đạt 877,6 tỷ đồng doanh thu thuần trong niên độ 2018/2019, tăng 46% so với niên độ trước, nhưng giá vốn tăng 71,3% khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh. Bên cạnh đó, chi phí tài chính (phần lớn là lãi vay) tăng 34,8%, dẫn tới lợi nhuận trước thuế giảm 45,6%, chỉ đạt 63 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp SLS ghi nhận lợi nhuận giảm. Tương tự, trong niên độ 2018/2019, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 45,5% với vỏn vẹn 6 tỷ đồng du doanh thu tăng tới 36%. Công ty cổ phần Mía đường KonTum (KTS) cũng chỉ đạt vỏn vẹn 4,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 53% so với niên độ trước. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của KTS trong vòng 5 năm trở lại đây.
Ngay cả Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT) – DN có lợi thế về quy mô, thương hiệu và hệ thống phân phối với thị phần dẫn đầu cả nước cũng không tránh khỏi những tác động từ khó khăn chung của ngành. Trong quý IV niên độ 2018/2019, SBT đạt doanh thu thuần 2.856 tỷ đồng, tăng gần 37% so với cùng kỳ niên độ trước, trong đó doanh thu bán đường tăng gần 48%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm 61% so với cùng kỳ. Theo giải trình của SBT, đơn giá bán bình quân thấp hơn so với cùng kỳ, trong khi lượng đường tồn kho vụ trước với giá vốn cao vẫn còn và tiếp tục chuyển qua vụ này; giá đường thế giới giảm mạnh và lượng đường nhập lậu qua biên giới tăng, làm giá đường trong nước liên tục giảm... là nguyên nhân trực tiếp làm giảm lợi nhuận. Lũy kế toàn niên độ 2018/2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tại SBT là 426,4 tỷ đồng, giảm 37,5% so với niên độ trước và chỉ hoàn thành 62,7% kế hoạch.
Sức ép từ đường Thái Lan
Tới thời điểm hiện tại, hạn ngạch nhập khẩu đường vào Việt Nam vẫn bị giới hạn bởi hạn ngạch WTO. Tuy nhiên, những số liệu từ Bộ Thương mại Thái Lan về sản lượng đường xuất khẩu của Thái Lan sang Việt Nam mỗi năm đều lớn hơn mức hạn ngạch cho phép, điều này cho thấy sản lượng đường nhập lậu vào Việt Nam từ Thái Lan luôn ở mức cao. Theo chia sẻ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đường lậu được đưa vào Việt Nam với số lượng nhỏ mỗi lần, nhưng diễn ra liên tục và rất khó kiểm soát, khiến cho sản lượng đường lậu lên tới con số rất lớn.
Sản phẩm của các DN mía đường Việt Nam được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa qua kênh phân phối B2B (là hoạt động kinh doanh giữa các DN với nhau - PV) tới các khách hàng công nghiệp là các công ty sản xuất bánh kẹo – thực phẩm – đồ uống và các công ty thương mại đường trung gian. Theo nghiên cứu của LMC International, nhu cầu tiêu dùng đường công nghiệp tại Việt Nam hiện chiếm hơn 57% nhu cầu đường nội địa.
Ngoài ra, với kênh B2C cho khách hàng tiêu dùng trực tiếp, các sản phẩm đường được đóng gói và tiêu thụ tại các điểm bán lẻ, cửa hàng, siêu thị. Khách hàng B2C chưa thật sự chú trọng tới thương hiệu cũng như xuất xứ của sản phẩm. Do đó, đây cũng là phân khúc cạnh tranh với đường Thái Lan giá rẻ được phân phối bởi các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Hiện tại chỉ có SBT đã phát triển kênh phân phối B2C với thương hiệu đường riêng các sản phẩm đường hướng tới các nhu cầu sử dụng khác nhau của khách hàng. SBT cũng đã ký kết được với nhiều khách hàng trong kênh công nghiệp đa phần là các DN thực phẩm có yêu cầu khắt khe về chất lượng với những đơn hàng sản lượng lớn như Pepsi, CocaCola, Nestle, Kinh Đô, Café Trung Nguyên, Vinacafé Biên Hòa, Tân Hiệp Phát, Tribeco, Red Bull Việt Nam, Friesland Campina… và nhiều thương hiệu khác. Điều này mang lại lợi thế lớn cho SBT.
Trong khi đó, một báo cáo của Công ty chứng khoán FPTS cho thấy, ngành đường Việt Nam có 22/38 DN có năng lực sản xuất nhỏ hơn 3.000 tấn mía/ngày, với khoảng 300.000 tấn đường trên thị trường (28% thị phần). Những nhà máy này chủ yếu bán đường qua thương lái, cung cấp đường cho các khách hàng tiêu dùng, khách hàng tiểu thủ công nghiệp SME.
Thời gian tới, khi Hệp định ATIGA có hiệu lực (từ 1/1/2020), toàn bộ hạn ngạch nhập khẩu đường từ các nước ASEAN sẽ bị xóa bỏ và đường nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ chỉ còn một mức thuế suất 5%. Khi đó, đường Thái Lan sẽ được nhập khẩu chính ngạch với số lượng lớn, khiến cho những DN nhỏ gặp khó khăn trong cạnh tranh về giá và chất lượng đường. Thậm chí, ngay cả phân khúc khách hàng công nghiệp lớn (B2B) sẽ gia tăng cạnh tranh hơn.
Ngoài ra, do điều kiện tự nhiên tại Việt Nam không thuận lợi bằng Thái Lan cũng như chưa phát triển được giống mía phù hợp với vùng nguyên liệu trong nước nên năng suất mía, hiệu suất sản xuất đường của Việt Nam cũng thấp hơn Thái Lan. Chi phí sản xuất của các DN đường trong nước cũng cao hơn nước bạn khoảng 30% - 40%, chủ yếu do giá mía của Việt Nam cao hơn giá mua mía của Thái Lan từ 60% - 62% và chi phí mía chiếm 75% cơ cấu chi phí sản xuất đường của mỗi nhà máy. Ngoài ra, quy mô các nhà máy đường ở mức nhỏ cũng dẫn tới hiệu suất sản xuất đường của Việt Nam còn kém, chưa phát huy được khả năng cạnh tranh, dẫn tới giá thành cao hơn so với đường Thái Lan.
Đáng chú ý, khi vào thị trường Việt Nam, đường Thái Lan lại có thuận lợi về kênh phân phối khi các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đang nằm trong tay người Thái như BigC, Metro Cash&Carry, FamilyMart, B’sMart. Ở kênh công nghiệp, đường trắng RS sẽ hướng tới các DN vừa và nhỏ (SME), trong khi đường RE sẽ được phục vụ cho khách hàng công nghiệp lớn (MNC). Tuy nhiên, việc lưu kho và bảo quản được đường RE sẽ rất khó khăn. Chính vì thế, dự báo Thái Lan sẽ chủ yếu xuất sang Việt Nam đường RS hoặc đường thô, sau đó tinh luyện và phân phối tại nhà máy đường ở Việt Nam. Ở điểm này, các DN Việt Nam sẽ có lợi hơn Thái Lan khi đã có sẵn nhà máy và các kho chứa hàng.