Ngành F&B hồi phục
Dù chịu tác động nặng bởi Covid-19, theo Statista tổng giá trị tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam trong 2021 ước tính đạt 816.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm ngoái và đóng góp khoảng 13% vào GDP. Bước sang năm 2022, mức chi tiêu thực phẩm đồ uống dự báo tăng 11%, đạt 902.000 tỷ đồng.
Dự báo dựa trên cơ sở sẽ có khoảng 17 triệu hộ gia đình trung lưu ở Việt Nam vào năm 2030. Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường lớn thứ ba về số lượng người tiêu dùng và lớn thứ năm về tổng chi tiêu ở Đông Nam Á vào năm 2030. Trong khi đó, chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng (khoảng 35% tổng chi tiêu dùng).
Ghi nhận, tốc độ tăng chi tiêu thực phẩm bình quân hàng năm giai đoạn 2020-2024 đạt 11,3%. Trong tương lai, người tiêu dùng sẽ tập trung vào các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Dự báo, chi tiêu cho đồ uống ở Việt Nam sẽ tăng trung bình 9,5%/năm, vượt qua mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ xấp xỉ 7,5% so với cùng kỳ.
Ông chủ các chuỗi bia tươi, lẩu nướng lớn đặt kế hoạch doanh thu gấp đôi lên 7.000 tỷ đồng
Nhu cầu hồi phục, các thương hiệu nhanh chóng tăng cường chính sách kích cầu, mở rộng hoạt động nắm bắt cơ hội. Trong chiến lược kinh doanh năm 2022 mới công bố, Công ty Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) đặt mục tiêu nâng tổng số nhà hàng từ khoảng 400 nhà hàng hiện tại (tại cuối tháng 2/2022) lên con số trên 1.000 trong vài năm tới, hướng tới doanh thu 1 tỷ USD.
Golden Gate hiện đang sở hữu chuỗi nhà hàng ẩm thực lớn nhất nước với hệ thống hơn 300 cửa hàng gồm hàng chục thương hiệu khác nhau như Ashima, Kichi Kichi, Gogi, Sumo BBQ, Hutong hay Vuvuzela… Nhờ đầu tư sớm cùng độ phủ lớn, Golden Gate đã thu được kết quả kinh doanh rất ấn tượng: trong giai đoạn 2012-2019, doanh thu của công ty đã tăng gấp 16 lần từ hơn 300 tỷ lên 4.776 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 6,4 lần lên 255 tỷ đồng.
Dù vậy, công cuộc mở rộng quy mô của Golden Gate đòi hỏi phải hy sinh: Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu công ty giảm rõ rệt qua từng năm. Nếu giai đoạn đỉnh cao 2012-2013, cứ 100 đồng doanh thu, công ty lãi ròng khoảng 15 đồng thì đến nay chỉ còn chưa đến 7 đồng.
Thậm chí, theo kế hoạch năm 2022 thì biên lãi sau thuế chỉ còn 5,5%, tương đương phân nửa con số mà người cầm cương chia sẻ trong một phỏng vấn gần đây là 10%. Năm nay, Golden Gate dự trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất là 7.002 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 375 tỷ đồng.
Năm ngoái, Công ty thu về 3.318 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 1.241 tỷ, tương ứng giảm 27% so với năm 2020. Công ty lỗ sau thuế hơn 430 tỷ đồng, trong khi năm 2020 có lãi hơn 64 tỷ. Đây cũng là lần đầu tiên công ty thua lỗ kể từ năm 2008.
Như vậy, so với năm 2021, mục tiêu của Golden Gate cho năm nay tương đối tham vọng. Kế hoạch lớn cũng được đề ra trong bối cảnh doanh nghiệp có thêm sự xuất hiện của cổ đông ngoại. Trước đó, gần 33% vốn góp của nhà đầu tư cũ Prosperity Food Concepts và một phần nhỏ vốn góp của 2 nhà đồng sáng lập công ty đã chuyển đổi sang cho nhóm cổ đông mới bao gồm Temasek; SeaTown Private Capital và Periwinkle (Singapore).
Theo báo cáo Top 10 Công ty Dịch vụ F&B theo mức độ phổ biến trên Mạng xã hội của Reputa, 5 tháng đầu năm, nổi bật nhất là Golden Gate khi tăng 29 hạng so với tháng 4, đứng vị thứ 4 (chỉ sau KFC, Phúc Long và The Coffee House).