Trong dự thảo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 phát hành ngày 14/6/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp một số kiến nghị đề xuất từ doanh nghiệp, bộ ngành cho thấy cơ chế, quy định pháp luật về thuế đang tạo ra nhiều vướng mắc, chưa tạo điều điện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, vướng mắc do các quy định về xác minh hoàn thuế chưa thực sự hợp lý, quy định hoàn thuế chưa tính tới các khâu trung gian, thương mại, nên đặt ra các tình huống không phù hợp.
Quy trình hoàn thuế đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu chỉ quy trách nhiệm cho doanh nghiệp ở khâu sản xuất cuối cùng, mà không tính tới trách nhiệm của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu chuỗi, giữa chuỗi.
Trong khi đó, Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gỗ lâm sản, đã ghi nhận trách nhiệm của các hộ kinh doanh đầu chuỗi. Đó là, đối với gỗ khai thác từ rừng trồng thì chủ rừng, chủ cơ sở lâm sản tự lập và ký vào bảng kê theo mẫu quy định, để chứng thực cho lô gỗ khai thác thì nguồn gỗ đó là hợp pháp.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho rằng, việc bổ sung các hình thức thanh tra, kiểm tra thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt khi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vẫn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Liên quan đến nội dung trên, trước đó, do lo ngại chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, Tổng cục Thuế ban hành các công văn số 2928/TCT-TTKT ngày 22/7/2020 và công văn số 2424/TCT-TTKT ngày 22/5/2020 yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp về ngăn chặn, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng.
Đồng thời, rà soát người nộp thuế có rủi ro về hoàn thuế giá trị gia tăng, nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về thuế tránh thất thu ngân sách Nhà nước .
Trong đó, có nội dung “siết” chặt quản lý đối với hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao như gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Tổng cục Thuế khẳng định, đây là biện pháp nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh trong việc tuân thủ quy định của pháp luật.