Gỗ và sản phẩm gỗ đứng đầu về xuất khẩu trong nhóm hàng nông lâm sản
Năm 2017 đánh dấu sự thành công của ngành nông lâm thủy sản, khi đạt tốc độ tăng trưởng 2,94%, vượt so với mục tiêu Chính phủ đề ra là 2,84%. Mục tiêu Chính phủ đề ra là xuất khẩu đạt 32 - 33 tỷ USD, thế nhưng đến nay toàn ngành đã đạt 36,37 tỷ USD, vượt hơn 4 tỷ USD so với năm trước và thặng dư đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD.
Trong nhóm hàng nông lâm sản, thì gỗ và sản phẩm gỗ đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu, chiếm 27% tổng kim ngạch của nhóm hàng này.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2017 tăng 10% so với năm 2016, đạt trên 7,66 tỷ USD; trong khi nhập khẩu nhóm hàng này trị giá 2,18 tỷ USD, tăng 16%. Như vậy, ngành gỗ Việt Nam đã xuất siêu 5,48 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm trước.
Gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ, chiếm 43% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 3,27 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm trước.
Ngoài ra, xuất khẩu sang các thị trường truyền thống khác cũng tăng như: xuất sang Trung Quốc tăng 5%, đạt 1,07 tỷ USD; sang Nhật Bản tăng 4,4%, đạt 1,02 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 15,9%, đạt 665,24 triệu USD.
Trong nhiều năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt khoảng 600 – 700 triệu USD/năm. Dự báo, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, sẽ tạo bứt phá thực sự cho xuất khẩu sang thị trường này và sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2020.
Đến nay, xuất khẩu gỗ vào EU chủ yếu vào 5 nước Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Italia, nhưng với Hiệp định EVFTA, hy vọng thị trường sẽ mở rộng hơn. Thực tế nhu cầu tiêu dùng sản phẩm gỗ của EU khoảng 80-85 tỷ USD/năm. Nhu cầu đó đang lớn hơn rất nhiều so với kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang EU.
Thị phần gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường
Trong năm 2017, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang tất cả các thị trường chủ đạo đều tăng kim ngạch so với năm ngoái; nhưng đáng chú ý là một số thị trường tuy kim ngạch không cao nhưng so với năm ngoái lại tăng rất mạnh như: Đan Mạch tăng trên 38,8%, đạt 22,75 triệu USD; U.A.E tăng 41,8%, đạt 28,7 triệu USD; Nga tăng 39%, đạt 3,83 triệu USD.
Cả năm 2017 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 7,66 tỷ USD, đây là lần đầu tiên xuất khẩu nhóm hàng này vượt mốc 7 tỷ USD/năm, và vượt mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 7,3 - 7,5 tỷ USD.
Nguyên nhân xuất khẩu tăng trưởng tốt
Theo các chuyên gia, những nguyên nhân chính giúp cho ngành gỗ có thể đạt được tăng trưởng khả quan, trước hết là nhờ nhóm sản phẩm đồ gỗ tăng cao hơn so với nhóm gỗ nguyên liệu. Trong năm 2016, XK nhóm sản phẩm đồ gỗ đạt 5,13 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2015 và chiếm 73,6% trong tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong năm 2017, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nói chung tăng 10%, đạt 7,66 tỷ USD; thì riêng xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ tăng 11,4% và đạt 5,71 tỷ USD, chiếm 74,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm gỗ và sản phẩm gỗ.
Tại nhiều thị trường lớn của đồ gỗ thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản… đồ nội thất của Việt Nam thường chỉ đứng sau đồ nội thất Trung Quốc về giá trị XK. XK sản phẩm đồ gỗ liên tục tăng trưởng ổn định từ năm 2015 đến nay, bởi nhóm sản phẩm này chủ yếu được XK vào những thị trường có tính ổn định cao như Mỹ, EU, Australia… Còn gỗ nguyên liệu chủ yếu XK sang Trung Quốc, nguồn cung lại không ổn định.
Sự phục hồi của kinh tế thế giới trong năm 2017, nhất là sự tăng trưởng của thị trường bất động sản là yếu tố quan trọng hỗ trợ ngành gỗ Việt Nam về xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, đã được ký kết và có hiệu lực, cũng hỗ trợ không nhỏ cho XK gỗ. Theo nhận định, XK gỗ và sản phẩm gỗ năm 2018 sẽ tăng trưởng tốt.
Ngành gỗ nhiều triển vọng khả quan
Không chỉ xuất khẩu tăng trưởng tốt, ngành gỗ Việt Nam còn chiếm lĩnh được thị trường nội địa, với mức tiêu thụ khoảng 2 tỷ USD/năm, tăng 5 - 6%/năm.
Theo Bộ Công thương, thị trường đồ nội thất toàn cầu sẽ tăng trưởng bình quân 4,2%/năm trong giai đoạn 2016 – 2024; riêng năm 2018, dự kiến tăng trưởng 3,5%. Dự kiến đến năm 2024, thị trường đồ nội thất toàn cầu sẽ vượt mức 550 tỷ USD. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực tiêu thụ đồ nội thất lớn nhất và đã chiếm 1/3 thị trường nội thất toàn cầu năm 2016.
Theo một khảo sát của CSIL tại 100 quốc gia tham gia vào Triển vọng đồ nội thất trên toàn thế giới trong năm 2017/2018, trị giá đồ nội thất toàn cầu hiện khoảng 420 tỷ USD. Các thị trường nhập khẩu đồ nội thất lớn nhất trên toàn cầu là Mỹ, Đức, Anh, Pháp và Canada.
Việt Nam hiện đang là nước sản xuất đồ nội thất bằng gỗ đứng hàng thứ 8 trên thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Đức, Italia, Ấn Độ, Ba Lan và Nhật Bản. Sản lượng đồ nội thất Việt Nam hiện chiếm khoảng 2% tổng sản lượng đồ nội thất thế giới.