Theo thống kê, lượng hành khách qua sân bay đã giảm 64,2% vào cuối năm 2020, tương ứng với hơn 6 tỷ người và giảm đi 111,8 tỷ USD doanh thu. Những diễn biến phức tạp của đại dịch sẽ ảnh hưởng đến ngành hàng không trong ngắn hạn.
ACI dự báo trong 5 năm tới, lưu lượng hành khách toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,4%/năm. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi giữa các khu vực có sự khác biệt đáng kể. Những thị trường chiếm đa phần bởi hành khách di chuyển nội địa sẽ phục hồi hoàn toàn từ năm 2023 trở đi. Trong khi đó, những thị trường có lượng hành khách di chuyển quốc tế cao lại phục hồi chậm hơn nhiều.
Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu về hàng không. Lưu lượng hành khách được dự báo sẽ tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng kép 3,5% trong 5 năm tới và 5,2% trong 20 năm tới.
Với mức giảm 58% vào cuối năm 2020, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến đến năm 2023 sẽ trở về lưu lượng hành khách trước Covid-19 là 3,4 tỷ người.
Bên cạnh đó, mảng vận tải hàng không sẽ tăng trưởng tích cực hơn và hoàn toàn phục hồi vào năm 2022. Những dự báo nói trên dựa trên giả định vaccine hiệu quả sẽ được phân phối trong năm 2021 và tiêm chủng trên diện rộng hầu hết hoàn thành vào đầu năm 2022.
Đặc biệt, Việt Nam cũng được xếp vào 8 quốc gia có tốc độ tăng trưởng kép ngành hàng không giai đoạn 2019-2040 cao nhất và có trên 50 triệu hành khách. 7 quốc gia còn lại bao gồm Ả Rập Xê Út, UAE, Iran, Indonesia, Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc.
Dự kiến đến năm 2040, Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ theo thứ tự sẽ là 3 thị trường lớn nhất thế giới, đảm nhận gần 40% lưu lượng hành khách toàn cầu.
ACI nhấn mạnh, "mặc dù đã có một lộ trình hồi phục dài hạn cho ngành hàng không nhưng chỉ có thể thực hiện khi xây dựng được nền tảng vững chắc trong ngắn hạn với sự hỗ trợ về mặt chính sách và hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ".