Hiệp hội thương mại Airlines for America (A4A) đại diện cho các hãng hàng không lớn ở Mỹ hôm nay sẽ điều trần trước Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ. Trong tài liệu chuẩn bị cho phiên điều trần, A4A cho biết các hãng hàng không nước này đang phải chi hơn 10 tỷ USD tiền mặt mỗi tháng vì Covid-19.
Hơn 3.000 phi cơ không hoạt động, tương đương gần 50% quy mô đội bay thương mại Mỹ, số lượng hành khách trung bình trên mỗi chuyến bay nội địa và quốc tế chỉ là 17 người và 29 người.
“Ngành hàng không Mỹ hậu khủng hoảng sẽ chỉ là cái bóng nếu so với 3 tháng trước đó”, Nicholas Calio, giám đốc điều hành A4A, cho biết trong tài liệu.
Lượng khách đặt chỗ ròng đã giảm gần 100% so với cùng kỳ năm trước. A4A cảnh báo nếu các hãng hàng không hoàn tiền lại cho toàn bộ vé đã đặt trước, bao gồm cả những vé không được phép hoàn tiền hoặc bị hủy bởi hành khách, không phải do hãng, “cán cân tiền mặt sẽ âm, dẫn đến phá sản”.
Eric Fanning, đứng đầu Hiệp hội Các ngành Không gian vũ trụ, sẽ đề nghị quốc hội Mỹ cân nhắc cung cấp “hỗ trợ tạm thời và có chỉ định cho lĩnh vực sản xuất hàng không đang yếu kém”, “thiết lập quan hệ đối tác công – tư để bảo vệ việc làm, giúp người lao động vượt qua dại dịch”.
Boeing tuần trước thông báo sẽ cắt giảm 16.000 việc làm cho đến cuối năm trong khi GE Aviation có kế hoạch cắt giảm 13.000 việc làm. Con số dự kiến của công ty chuyên chế tạo khung phi cơ Spirit AeroSystems là 1.450 việc làm.
Fanning cũng sẽ đề cập đến những trở ngại, khiến các công ty khó tiếp cận nhanh chóng một số chương trình cho vay của Fed và Bộ Tài chính Mỹ.
Các hãng hàng không Mỹ đã hủy hàng trăm nghìn chuyến bay, bao gồm hơn 80% đã lên kế hoạch cho đến tháng 6 trong bối cảnh lưu lượng hành khách Mỹ giảm 95% kể từ tháng 3. Các hãng đang triển khai thêm biện pháp đảm bảo vệ sinh, yêu cầu tất cả hành khách đeo khẩu trang.
Calio nhận định “quãng đường phía trước dài và khó khăn… Lịch sử cho thấy nhu cầu vận tải hàng không chưa bao giờ phục hồi hình chữ V sau khi suy giảm”.
Bộ Tài chính Mỹ phân bổ gần 25 tỷ USD tiền mặt cho các hãng hàng không để giúp họ bù đắp chi phí lương, đổi lấy cam kết không sa thải người lao động cho tới ngày 30/9. Tuy nhiên, một số hãng vẫn có thể phải cắt giảm nhân sự vào cuối năm trong bối cảnh nhu cầu đi lại trong dài hạn giảm.