Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, tháng 9 vừa qua, trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,64 tỷ USD, giảm 8,9% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 9 tháng đầu năm đạt 21,58 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 9 tháng qua, xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc dẫn đầu với trị giá đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 28,8%; xuất khẩu sang EU (28 nước) đạt 4,05 tỷ USD, tăng 21,1%; Hoa Kỳ đạt trị giá 2,07 tỷ USD giảm 14,1%; Hàn Quốc đạt trị giá 1,94 tỷ USD, tăng 48,5%…
Ở chiều nhập khẩu, tháng 9 ghi nhận kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt 3,54 tỷ USD, giảm 11,6% so với tháng 8.
Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm lên 30,8 tỷ USD tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất từ trước tới nay (tính hết tháng 9). Quy mô này giúp máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục duy trì ngôi vị dẫn đầu được xác lập từ năm 2017.
Các thị trường cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam chủ yếu gồm: thị trường Hàn Quốc với kim ngạch 12,76 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm trước, chiếm 41,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Các vị trí tiếp theo là thị trường Trung Quốc với 5,48 tỷ USD, tăng 7,8%; thị trường Nhật Bản với 2,94 tỷ USD, tăng 34,5%...
Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến 52,38 tỷ USD, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có quy mô về trị giá lớn nhất của cả nước, chiếm 14,85% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính hết tháng 9.
Tuy nhiên, ngành hàng này bị thâm hụt 9,22 tỷ USD. Điều này có thể thấy, ngoài việc nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất xuất khẩu, nước ta dành một lượng ngoại tệ đáng kể nhập khẩu để tiêu dùng trong nước.