Đặc biệt trong kỷ nguyên số, máy tính đã phát triển thành siêu máy tính, công nghệ len lỏi vào từng ngành nghề. Và ở đó, bóng dáng của AI đã dần hiện diện trên diện rộng của công nghệ.
Ra đời từ giữa thế kỉ 19, đến nay, AI đã đạt được những thành tựu rực rỡ, xứng đáng "ngôi vương" trong tiến trình cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi,… Chẳng hạn, nếu bạn đang có ý định từ bỏ công việc hiện tại, AI có thể biết điều đó trước cả phòng nhân sự. Việc này không còn là dự đoán nữa, mà đang hiện hữu trong các công cụ quản trị nhân sự tại các tập đoàn lớn, đa quốc gia hay trong các tập đoàn về công nghệ.
Trong tương lai, AI với sự quan tâm và phát triển của các ông lớn trong ngành công nghệ, dự kiến sẽ mở rộng hơn nữa phạm vi ứng dụng sang các lĩnh vực như: Y tế, Xây dựng, Ngân hàng, Công nghệ siêu vi…
Ngoài ra, AI còn được ứng dụng trong truyền thông giúp định hướng tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu. AI còn góp mặt trong các ngành dịch vụ do có khả năng lưu trữ thông tin và hành vi sử dụng của khách hàng. Chính bởi những đóng góp to lớn và tích cực đó, AI được đánh giá là ngành học vô cùng có triển vọng và hứa hẹn sẽ phát triển đến đỉnh cao trong tương lai.
Các kỹ sư AI trong sự kiện "Zalo AI Challenge" 2020
Theo báo cáo của Analytics Insight, thị trường toàn cầu về AI sẽ đạt mức 152.9 tỉ USD vào năm 2023. Còn báo cáo từ IBM, Forbes, 3/5 nghề trả lương cao nhất đều liên quan khoa học dữ liệu và Al. Cơ hội việc làm với mức thu nhập đáng mơ ước sẽ tiếp tục được gia tăng bởi chính tiềm năng của ngành công nghệ này.
Điểm thu hút nhất của ngành AI chính là mức lương khá cao sau khi ra trường, cho dù bạn làm việc ở bất kì quốc gia nào. Theo báo cáo thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin mới đây của Navigos Việt Nam, mức lương trung bình của nhóm kỹ sư phát triển phần mềm liên quan AI là 1.844 USD/tháng (tương đương 43 triệu đồng). Nhân lực trong ngành AI còn nhận các chế độ ưu đãi khác như thưởng lương tháng 13, thưởng tết, thưởng theo các dự án...
Mặc dù trả mức lương khá cao nhưng các doanh nghiệp vô cùng khó khăn trong tuyển dụng, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin được đánh giá ngày càng tăng cao. Một báo cáo nhân sự toàn cầu cho thấy dù nhận được sự quan tâm của rất nhiều người trên thế giới, nhưng thực chất mới chỉ có khoảng 10.000 người thực sự có chuyên môn về lĩnh vực AI. Điều đó cho thấy ngành AI đang "khát" nhân lực chất lượng cao như thế nào. Tại Việt Nam, nhân lực AI hiện cũng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của thị trường.
Gần như mọi sinh viên ngành AI đều được các tập đoàn săn đón kèm theo lời mời có mức lương thuộc hàng "khủng" ngay khi họ còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Cơ hội du học, làm việc tại các tập đoàn nước ngoài có thể nói là vô cùng rộng mở với những người theo đuổi ngành AI. Sinh viên chuyên ngành AI có cơ hội việc làm đa dạng với mức lương hấp dẫn ở các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức với một số vị trí điển hình như: Kỹ sư phát triển ứng dụng AI; Kỹ sư phát triển hệ thống tự động hóa, robot; Kiến trúc sư dữ liệu; Chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu, giảng dạy về trí tuệ nhân tạo.