Ở một góc xa xôi của miền Tây Australia, nơi được bao quanh bởi những cụm cây bụi trũng và các mỏm đá đỏ, công ty khai thác mỏ lớn thứ hai thế giới đã xây dựng một khu công nghệ tiên tiến nhất của mình.
Tự động hóa đã giúp các thợ khai thác tại khu mỏ của tập đoàn Rio Tinto trở nên năng suất hơn. Nhưng đại dịch đã khiến việc tìm kiếm công nhân để vân hành các hoạt động công nghệ cao ở đây trở thành một vấn đề thách thức. Việc hạn chế đi lại ở Tây Úc đã khiến nước này thiếu hụt lao động có kinh nghiệm trong các lĩnh vực cơ khí, điện và các vai trò khác, theo đại diện công ty. Các khoản đầu tư của các công ty, dù lớn nhưng lại mang lại hiệu quả rất ít việc giải quyết cuộc khủng hoảng lao động đang ngày càng có nguy cơ lan rộng hơn.
Theo một số cách, tự động hóa có thể làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Các công ty khai thác toàn cầu trước đây phụ thuộc vào người vận hành máy móc và lao động phổ thông. Giờ đây, họ cần phải cạnh tranh để có được những công nhân có kỹ năng chuyên biệt, chẳng hạn như phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Và khó khăn hơn khi họ phải cạnh tranh điều đó với các ngành công nghệ khác, những nơi có môi trường làm việc an toàn và thoải mái hơn tại các khu mỏ. Và vô hình, điều này sẽ làm gia tăng lạm phát toàn cầu khi các chi phí được chuyển cho khách hàng thông qua việc tăng giá hàng hóa.
Tại mỏ Gudai-Darri của Rio Tinto, gần hai chục xe tải không người lái vận chuyển quặng sắt trên các tuyến đường được lập kế hoạch trước, và theo sau chúng là các xe chở nước phun tự động được sử dụng để kiểm soát bụi. Robot được sử dụng để vận chuyển các mẫu quặng trong phòng thí nghiệm của công trường, trong khi các quặng sẽ rời mỏ trên một chuyến tàu không người lái để xuất khẩu cho khách hàng ở châu Á. Khu mỏ này đã vận chuyển lượng quặng đầu tiên vào tháng trước và sẽ tăng hết công suất vào năm sau.
Xe vận tải tự hành hoạt động tại mỏ Gudai-Darri.
Để vận hành và bảo trì máy móc tại Gudai-Darri, Rio Tinto sử dụng khoảng 600 công nhân tại chỗ và hơn 70 người tại một trung tâm điều khiển ở thủ phủ bang Perth, cách đó gần 1.600 km. Việc xây dựng mỏ đã vượt quá ngân sách và bị trì hoãn hàng tháng, một phần vì Rio Tinto không thể có được đủ số lao động cần thiết. Hàng trăm vị trí còn trống đang chờ được lấp đầy ở Pilbara, một khu vực của Úc cung cấp hơn một nửa lượng quặng sắt cho toàn thế giới.
"Hiện nay hình tượng một công nhân mỏ điển hình sẽ là người mang theo bên mình một chiếc máy tính bảng hơn là một chiếc cờ lê", Simon Trott , trưởng bộ phận quặng sắt của Rio Tinto, cho biết trong lúc ông đang kiểm tra hệ thống hơn 80.000 tấm pin mặt trời, thứ được sử dụng để cung cấp năng lượng cho Gudai-Darri.
Theo ước tính năm 2019 của hãng kiểm toán xuyên quốc gia EY, công nghệ sẽ thay đổi 4/5 vị trí công việc trong ngành khai thác mỏ vào năm 2030. Lao động thủ công truyền thống đang nhường chỗ cho các trung tâm điều hành từ xa, tự động hóa và người máy. Người điều khiển xe tải và người điều khiển máy khoan đang được thay thế bởi các kỹ sư điều hành thiết bị tự hành, các nhà khoa học dữ liệu và kỹ sư hệ thống.
“Tự động hóa không dẫn đến viễn cảnh ngày tận thế của việc sa thải hàng loạt", Robert Carruthers, quyền CEO tại Phòng Khoáng sản và Năng lượng Tây Úc, cho biết. "Trên thực tế, nó đã tạo ra các vai trò mới chưa từng tồn tại trước khi tự động hóa."
Tập đoàn Rio Tinto vận hành xe tải tự hành, máy khoan và tàu hỏa trong hoạt động kinh doanh quặng sắt tại Pilbara từ một trung tâm đặt ở Perth, nơi cách đó gần 1.600 km.
Các quan chức công đoàn cũng có quan điểm tương tự. Shane Roulstone, thuộc Liên minh Công nhân Úc, cho biết khoảng một nửa số công việc tồn tại trên các khu mỏ vẫn còn sau khi tự động hóa. Và ông nói rằng những vai trò mới tại các trung tâm điều hành từ xa hiện không thể lấp đầy. Các quan chức khác của Liên minh cho biết họ ủng hộ đổi mới kỹ thuật số khi nó không dẫn đến việc sa thải nhân viên. Còn theo Simon Trott của Rio Tinto thì cho rằng bản chất công việc đang thay đổi và về tổng thể thì công ty khai thác đã tăng số lượng nhân viên.
Việc biến xe tải và các thiết bị khác thành robot giúp loại bỏ thời gian nghỉ giữa các bữa ăn hoặc thay đổi ca. Theo công ty tư vấn McKinsey & Co, nó có thể giảm mức sử dụng nhiên liệu từ 10% đến 15% và giảm độ mài mòn của lốp. Nó cũng có thể loại bỏ con người khỏi một số nhiệm vụ nguy hiểm, từ đó cải thiện độ an toàn.
Các chuyến tàu không người lái dài hàng km đã bắt đầu đi qua vùng núi hẻo lánh này cách đây 3 năm, chở quặng sắt từ các mỏ sâu trong nội địa đến các cảng ven biển ở Tây Úc. Những tiến bộ đó đã thu hút sự chú ý của các CEO công ty đường sắt từ các quốc gia bao gồm Mỹ và Canada, khi họ nhìn thấy cơ hội chuyển giao công nghệ.
Teck Resources, công ty đã tung ra thị trường những chiếc xe tải không người lái trong gần một thập kỷ qua, hiện có khoảng 190 chiếc đang hoạt động tại các mỏ ở Úc. Giám đốc điều hành Elizabeth Gaines cho biết cần phải thay thế chúng bằng 240 xe tải vận hành thủ công để sản xuất cùng một lượng quặng sắt.
Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ không phải lúc nào cũng là một cuộc hành trình suôn sẻ. Nỗ lực đưa tàu hỏa không người lái của Rio Tinto vào vận hành đã bị trễ ba năm và tăng gần gấp đôi ngân sách ban đầu.
“Tự động hóa không hoạt động hiệu quả như họ quảng cáo", Roulstone, quan chức công đoàn cho biết.
Ông cho biết xe tải không người lái mất nhiều thời gian hoạt động hơn so với khi được lái bởi con người, và các thợ mỏ nói rằng thời gian tiết kiệm được là khá nhỏ. Chúng cũng thường gặp sự cố hơn, dù nhiều công ty không đồng ý rằng đó là một vấn đề.
Và giờ, đang có sự thiếu hụt trong vai trò phân tích và máy tính kỹ thuật số cũng như các công việc truyền thống hơn như kỹ sư về động cơ diesel hạng nặng, theo Hiệp hội Nhà tuyển dụng Tài nguyên và Năng lượng Úc.
Tại mỏ Gudai-Darri, gần hai chục xe tải không người lái vận chuyển quặng sắt trên các tuyến đường được lập kế hoạch trước, theo sau chúng là các xe chở nước tự động được sử dụng để kiểm soát bụi.
Số việc làm trong lĩnh vực khai thác mỏ của Úc đã tăng 72% trong khoảng hai năm, theo dữ liệu chính thức. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm và các vị trí tuyển dụng đã tăng lên mức gần như chỉ có một vài vị trí chưa được lấp đầy cho mỗi người đang tìm việc. Các công ty khai thác cho biết họ đang chi nhiều hơn cho khoản tiền thưởng khi xin việc và duy trì công việc, cũng như nâng cấp cơ sở vật chất để thu hút công nhân.
Và những chi phí đó có nguy cơ ăn vào lợi nhuận, theo Chris Kirk, nhà phân tích tại Wood Mackenzie, một công ty tư vấn có trụ sở tại Anh. Ông cho biết chi phí đào quặng sắt ở Tây Úc có thể sẽ tăng 12% trong năm nay so với năm 2021, phản ánh mức lương cao hơn và các áp lực lạm phát khác.
Một phần của thách thức là các mỏ khai thác thường ở xa các thành phố và có rất ít việc để công nhân làm. Ở Pilbara, các công nhân thường phải làm việc theo ca kéo dài 12 giờ trong điều kiện nhiệt độ đôi khi có thể lên tới 37 độ C.
Các đội tuyển dụng cũng phải đối mặt với vấn đề hình ảnh của mỏ khai thác, khi chúng thường gặp các scandal như vô tình phá hủy các hầm trú ẩn bằng đá cổ, hay các nhận thức chung rằng ngành công nghiệp này và các sản phẩm của nó đang làm hỏng môi trường và góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Tháng trước, một báo cáo của các nhà lập pháp Tây Úc đã cáo buộc nhiều trường hợp quấy rối và bắt nạt tình dục tại các cơ sở khai thác ở bang này.
“Tài năng kỹ thuật số đang có nhu cầu ở khắp mọi nơi", báo cáo từ McKinsey nhận định.
Tham khảo WSJ