Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa hạn ngạch nhập khẩu đường được dỡ bỏ, thuế xuất nhập khẩu đường từ các nước trong khu vực ASEAN còn bằng 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ 1-1-2018 .
Ngành mía đường đang lo sốt vó khi đường nhập khẩu từ các nước trong khu vực, nhất là từ Thái Lan với giá rẻ hơn đường Việt Nam (VN) sẽ ồ ạt đổ bộ vào “hạ đo ván” doanh nghiệp (DN) trong nước ngay trên sân nhà.
Sợ thua đường ngoại
Hiện nay mặt hàng đường vẫn đang được bảo hộ. Theo đó, đối với mặt hàng đường có hạn ngạch thuế quan sẽ được hưởng thuế suất ở mức 5% khi nhập khẩu từ các nước ASEAN vào VN, hoặc mức 25% đối với đường thô và 40% đối với đường trắng nếu nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN.
Nếu ngoài hạn ngạch, thuế suất thuế nhập khẩu đường vào VN sẽ phải chịu mức thuế cao 80% đối với đường thô và 85% đối với đường trắng.
Thế nhưng chỉ còn chưa đầy một tháng nữa hạn ngạch nhập khẩu đường được dỡ bỏ , thuế xuất nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN chỉ còn 0% thì đường nhập từ các nước này sẽ thoải mái tràn vào vì không có rào cản nào. “Đến năm 2025, có thể chỉ còn 15 trong số 40 nhà máy đường trong nước hiện nay còn hoạt động” - đại diện Công ty Mía đường Tây Ninh dự báo.
Các nhà máy đã bắt đầu cảm nhận được khó khăn dù Hiệp định ATIGA chưa có hiệu lực. Thống kê của Hiệp hội Mía đường VN (VSSA), hiện còn hơn 300.000 tấn đường tồn kho chưa bán được.
Doanh nghiệp ngành đường Việt Nam cần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành thì mới cạnh tranh nổi làn sóng đường nhập khẩu giá rẻ tràn vào. Trong ảnh: Vận chuyển đường tại một nhà máy. Ảnh: QUANG HUY
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cho biết các nhà máy đường đã hạ giá đường xuống chạm đáy, chỉ hơn 12.000 đồng/kg song đường vẫn không bán nổi. Nhiều đơn vị tiêu thụ vẫn có tâm lý muốn chờ đến đầu năm 2018 để mua đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan tràn vào.
“Đến năm 2018, các DN mía đường có nhà máy công suất lớn, chủ động được vùng nguyên liệu, giá thành thấp, chuẩn bị tốt sẽ có cửa cạnh tranh. Những DN có nhà máy nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu sẽ chết dần hoặc chọn đóng cửa nhà máy, chuyển sang nhập đường thô về tinh luyện, không thu mua mía của nông dân. Vì vậy, với việc bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường, nông dân trồng mía là người chịu thiệt hại nặng nề nhất” - ông Doanh nói.
Chính vì vậy, VSSA vừa kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường đến năm 2022, thay vì sẽ thực hiện từ đầu năm 2018 như cam kết.
Đừng trông chờ bảo hộ, phải thay đổi
Trước thông tin VSSA kiến nghị tiếp tục bảo hộ thêm một thời gian cho mặt hàng đường trong nước đã gặp nhiều phản ứng trái chiều từ các chuyên gia lẫn chính DN.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng không nên tiếp tục bảo hộ ngành mía đường. VN đã ký kết tuân thủ cuộc chơi ATIGA thì phải chấp nhận. Ngành mía đường đã được bảo hộ bằng hạn ngạch thuế quan quá lâu và rất nhiều nhưng vẫn không chịu lớn mà vẫn trông chờ vào sự bảo hộ từ phía Chính phủ là không ổn.
“Giá thành một tấn mía của Brazil chỉ 16 USD, Thái Lan là 30 USD trong khi của VN lên đến 50 USD. Chưa kể công nghệ chế biến tinh luyện của các nước đầu tư tốt, thu hoạch bằng máy móc hiện đại, các phụ phẩm đều được tái sử dụng... trong khi VN chưa làm được bao nhiêu. Chính những hạn chế trên khiến giá đường trong nước luôn cao, tạo cơ hội cho đường lậu nhập từ Thái Lan luôn rẻ hơn 2.000-5.000 đồng/kg tuồn vào” - GS Xuân phân tích.
Mỗi năm nửa triệu tấn đường Thái tràn vào
Thực tế cho thấy lâu nay ngành mía đường trong nước đã phải khốn khổ vì hơn nửa triệu tấn đường nhập lậu từ Thái Lan giá rẻ tuồn vào mỗi năm.
Sắp tới, nếu bỏ hết hạn ngạch thuế quan, đường Thái Lan có thể đường đường chính chính nhập vào chính ngạch với số lượng còn lớn hơn nhiều.
Vì vậy, theo GS Xuân, VN đã hội nhập quốc tế, năng lực phải cạnh tranh với các nước trong khu vực và quan trọng chính bản thân DN phải thay đổi. Đầu tư vùng nguyên liệu quy mô lớn để áp dụng khoa học kỹ thuật trồng trọt, giảm chi phí sản xuất từ điện, nước, phân bón, thuốc; giảm chi phí nhân công…
Tán đồng với quan điểm này, nhiều ý kiến cũng cho rằng ngành mía đường phải cạnh tranh với thế giới chứ không thể cứ xin bảo hộ, bao cấp mãi. Càng bảo hộ lâu thì người tiêu dùng, các DN chế biến thực phẩm càng chịu thiệt vì tiếp tục phải mua đường với giá cao trong khi chỉ làm lợi cho các nhà máy đường. Nghĩa là các DN đường chỉ chăm chăm tìm cách ngăn cản, “đuổi” đường ngoại và tận dụng tối đa chính sách bảo hộ để thu lợi cho mình.
Thực tế cũng cho thấy ngành mía đường VN vẫn còn cửa cạnh tranh nếu chấp nhận “chiến đấu” thực sự. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TTC Group, cho biết DN để cạnh tranh với đường nhập giá rẻ từ đầu năm 2018, thay vì xin bảo hộ, DN lựa chọn cách hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy việc ứng dụng giải pháp công nghệ vào trong quá trình sản xuất. Chính vì thế bên cạnh sản xuất, kinh doanh đường trong nước, DN còn xuất khẩu đường sang Trung Quốc, Indonesia...
“Chúng tôi cũng đa dạng hóa sản phẩm như sản xuất đường phèn, đường hữu cơ organic, đường như mật rỉ, điện, nước suối được làm từ bã mía... Đồng thời đầu tư nghiên cứu giống mía mới cho năng suất cao hơn, tăng liên kết với nông dân giúp họ có lợi nhuận tốt nhất” - ông Thành nói.
“Ông lớn” nhảy vào ngành đường
Công ty Sữa Vinamilk vừa tổ chức buổi ra mắt Công ty Cổ phần Đường VN Vietsugar tại tỉnh Khánh Hòa. Đặc biệt, nhằm thực hiện khép kín chuỗi cung ứng nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất, Vinamilk đã quyết định đầu tư sở hữu 65% cổ phần của Đường Khánh Hòa.
Các sản phẩm chủ lực của công ty là đường tinh luyện và đường nâu tự nhiên, được chế biến trực tiếp từ cây mía trồng trên những vùng đất an toàn của tỉnh Khánh Hòa và các vùng lân cận. Đáng chú ý, đường thành phẩm được đóng gói tự động và có đầy đủ thông tin để truy xuất được nhanh chóng, chính xác thời điểm sản xuất, lô sản xuất…
Đây được xem là một trong những hướng đi mới cho ngành mía đường VN, chủ động hội nhập vào sân chơi thế giới.