Đường nhập lậu, đường được trợ giá gây lũng đoạn thị trường
Ngành mía đường Việt Nam trong những năm qua gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt sau khi hiệp định ATIGA có hiệu lực. Ngành mía đường Thái Lan được trợ giá, trợ cấp nên đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam rất thấp, giá thành sản xuất đường của các nhà máy trong nước không thể cạnh tranh được kể cả việc phải mua giá mía thấp của bà con nông dân.
Giá mía thấp làm cho diện tích vùng nguyên liệu tụt giảm nghiêm trọng, diện tích mía của cả nước từ 300.000 ha, đến nay chỉ còn dưới 160.000 ha. Tổng số nhà máy đường từ 41 nhà máy, đến nay chỉ còn 29 nhà máy hoạt động nhưng cầm chừng, nguyên liệu thiếu trầm trọng nên chỉ đáp ứng được 50% công suất thiết kế. Sản lượng đường sản xuất trong nước từ hơn 2 triệu tấn/năm đến nay chỉ còn dưới 1 triệu tấn.
Niên vụ 2020 - 2021, giá mía tăng cao khiến người trồng phấn khởi.
Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương và địa phương đã có những chính sách hỗ trợ. Đặc biệt là chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới.
Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 477 (ngày 9/2/2021) về việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Đây là Quyết định hết sức kịp thời, bước đầu tháo gỡ những khó khăn cho ngành mía đường trong nước.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cho rằng, giá đường tăng, giá mua mía tăng, người trồng mía thu nhập cao sẽ góp phần phát triển kinh tế các địa phương có vùng nguyên liệu mía.
"Tuy nhiên, theo tôi khó khăn lớn nhất vẫn là việc kiểm soát đường nhập lậu. Nếu không quyết liệt, không kiểm soát chặt chẽ đường nhập lậu sẽ gây lũng đoạn giá đường trong nước, đường các nhà máy sản xuất trong nước sẽ không tiêu thụ được, doanh nghiệp mía đường sẽ tiếp tục gặp khó khăn" - ông Lê Văn Tam nói.
Theo ông Đinh Duy Vượt, Phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai, người gắn bó với cây mía và các nhà máy đường trên địa bàn đều phấn khởi cho rằng việc áp dụng hàng rào bảo vệ doanh nghiệp, trong đó có thuế phòng vệ thương mại đối với đường Thái Lan nhập khẩu là cấp thiết. Điều này được ví như có được "phương thuốc hồi sinh, như hạn gặp mưa" với ngành mía đường và người nông dân.
"Chúng tôi thấy giá mía, giá đường đều tăng, mỗi ha nông dân lãi 30-50 triệu đồng. Giá đường tăng gần 50% khoảng trên 4.000 đồng/kg so với năm 2020. Chính vì vậy sự đầu tư vào cây mía bắt đầu có hiệu quả, có lãi, có niềm tin vào cây mía" ông Đinh Duy Vượt cho biết.
Cạnh tranh mua mía khi giá lên và câu chuyện vùng nguyên liệu
Khi áp thuế phòng vệ thương mại cho đường Thái Lan, nhu cầu sản xuất trong nước tăng lên, nhu cầu nguyên liệu tăng lên dẫn đến việc thiếu nguyên liệu và doanh nghiệp phải tranh mua nguyên liệu. Thậm chí có tình trạng người dân trồng mía thu hoạch diện tích mía đã ký hợp đồng liên kết với nhà máy để bán cho thương lái.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, tình trạng tranh mua nguyên liệu mía vẫn xảy ra trong những năm gần đây. Tuy nhiên, năm nay tình trạng càng trầm trọng vì sản lượng mía quá thấp, thiệt hại mà ngành đường Việt Nam phải gánh chịu: nguồn đường phá giá có nguồn gốc nhập khẩu trong nhiều năm liên tiếp, tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây tại các vùng sản xuất mía.
"Theo tôi, đầu tiên cần xây dựng quan hệ giữa nông dân trồng mía và một số nhà máy vững chắc để hạn chế tình trạng này trong thời gian tới. Ngoài ra, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các doanh nghiệp mía đường có vùng nguyên liệu gần kề cần được các tiểu vùng cập nhật và thực thi trên tinh thần hỗ trợ và cạnh tranh lành mạnh" ông Nguyễn Văn Lộc nêu ý kiến.
Câu chuyện về vùng nguyên liệu chuyên canh, áp dụng khoa học kỹ thuật được đề cập ở đến lâu nay những vẫn là vấn đề chưa giải quyết được. Một thực tế là cây mía nguyên liệu của nước ta năng suất, hiệu suất thu hồi đường thấp, chất lượng còn kém so với nhiều nước trên thế giới dẫn tới giá thành đường cao, khả năng cạnh tranh thấp.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bàn sâu về tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có vấn đề mía đường, làm thế nào để tăng hiệu quả. Vấn đề khoa học công nghệ, các viện, trường, đặc biệt là viện nghiên cứu mía đường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực trong vấn đề giống mía, cải thiện chất lượng giống mía.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trao đổi với Vụ Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt trong nội hàm về chính sách tín dụng thương mại đối với các nhà máy đường phù hợp với chu kỳ thu hoạch, phù hợp với khả năng tín dụng của các nhà máy mía đường; đặc biệt là mối quan hệ giữa người nông dân với Ngân hàng Nhà nước như thế nào. Qua đây hộ trợ về tài chính, kỹ thuật với những vùng nguyên liệu mía đường" - ông Nguyễn Quốc Toản nói.
Ngoài hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật thì dự báo thị trường cũng rất quan trọng, thúc đẩy các thị trường xuất khẩu, tận dụng được các ưu đãi của các FTA mới, ông Toản thông tin thêm