Lý do đưa ra kiến nghị nêu trên, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các nhà máy đường đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thiếu vốn lưu động nghiêm trọng do các ngân hàng thắt chặt việc cho vay. Nhiều nhà máy, công ty đã không có tiền để thanh toán tiền mía nguyên liệu cho nông dân. Giá mua mía nguyên liệu, mặc dù các nhà máy đường đã cố gắng giữ giá bảo hiểm và bổ sung chính sách hỗ trợ cho người trồng mía nhưng giá mía niên vụ 2018/2019 vẫn thấp hơn niên vụ 2017/2018. Mặt khác, do thời tiết xấu, sâu bệnh… đã ảnh hưởng đến năng suất mía, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận trên đơn vị canh tác. Một số nơi sau khi thu hẹp diện tích trồng mía đã chuyển sang cây trồng khác như sắn, mì…
Kinh doanh bán lẻ đường tại TP Hồ Chí Minh
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, đến nay nhiều nhà máy đường đã thua lỗ nặng, có nguy cơ đóng cửa (không nêu rõ cụ thể nhà máy nào) nếu không có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niên vụ 2018/2019 mà còn dẫn đến những năm tiếp theo của ngành mía đường khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Trong gần chục kiến nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam đưa ra tại văn bản nêu trên, trong đó có việc kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản kiến nghị với Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề xuất lại lộ trình và hàng rào thương mại đối với Hiệp định ATIGA, trong đó có việc kéo dài thêm thời gian quản lý hạn ngạch thuế quan khoảng 3-5 năm.
Lý giải về kiến nghị này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, mặc dù Thủ tướng đã gia hạn thực hiện cam kết ATIGA với mặt hàng đường đến 1/1/2020, nhưng do tác động nghiêm trọng của tình hình khí hậu, thời tiết, giá đường trong nước và thế giới xuống thấp nhất trong gần 20 năm qua, các nhà máy/công ty kinh doanh đã thua lỗ nghiêm trọng. Trong trường hợp xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ngày 1/1/2020, VSSA cũng đưa ra kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét có giải pháp kiểm soát đường nhập khẩu bằng việc cấp phép theo chuyến và chỉ cho phép nhập khẩu đường thô.
Đồng thời Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng kiến nghị, trước mắt Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ dừng đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với VSSA khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan đến mặt hàng đường lỏng (HFCS) để báo cáo Bộ Công Thương trình Chính phủ áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo Luật Ngoại thương. Các cơ quan chức năng chống buôn lậu tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đối với mặt hàng đường để góp phần bình ổn giá cả thị trường trong nước.
Liên quan đến thực thi cam kết ATIGA đối với mặt hàng đường, ngày 20/2/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản số 1034/BCT-XNK, đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam thông báo rộng rãi tới các doanh nghiệp thành viên, kể từ ngày 1/1/2020 sẽ chính thức xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo cam kết ATIGA, để các doanh nghiệp mía đường chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp bối cảnh mới.
Tại cuộc làm việc với Hiệp hội Mía đường Việt Nam và một số doanh nghiệp mía đường ngày 8/3/2019 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh cho rằng, việc trì hoãn thực thi cam kết ATIGA đối với mặt hàng đường đến 1/1/2020 là một việc làm chưa có tiền lệ của Việt Nam trong thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, của Bộ Công Thương đối với ngành mía đường. Thứ trưởng Khánh cho biết, thời điểm 1/1/2020 dỡ bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo cam kết ATIGA là không thể trì hoãn thêm được nữa, các doanh nghiệp mía đường cần phải có các phương án sản xuất, kinh doanh thích ứng với bối cảnh mới./.