Trên Talkshow Phố Tài chính tối 10/1, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSI) đã có những chia sẻ về tác động của gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng đến thị trường chứng khoán năm 2022 cũng như kế hoạch đầu tư phù hợp trong năm nay.
Ông đánh giá như thế nào về chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế-xã hội được đề xuất?
Ông Trần Thăng Long: Theo quan sát của tôi, trong vòng một năm vừa rồi theo thống kê của IMF, số lượng gói kích thích kinh tế toàn cầu là khoảng 18.000 tỷ, tương đương với khoảng 16% GDP toàn cầu. Trong khi đó, các quốc gia phát triển thường có gói kích thích kinh tế lớn hơn khoảng 25% GDP và những quốc gia mới nổi như Việt Nam thì có gói kích thích kinh tế có quy mô là khoảng 7,5% GDP.
Gói 350.000 tỷ đồng được đề xuất cộng với 270.000 tỷ đồng đã giải ngân năm 2021 thì tổng quy mô về mặt tương đối so với GDP cũng khoảng 8%. Tôi nghĩ sẽ tương đương với mức của các quốc gia mới nổi, cho nên phần nào cũng nằm trong kỳ vọng của thị trường.
Vậy trong số các giải pháp được đề xuất, theo các ông, đâu là giải pháp sẽ nhanh chóng mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân?
Ông Trần Thăng Long: Tôi cho rằng thứ nhất giải pháp liên quan đến giảm các loại thuế, phí, trong đó có đề xuất liên quan đến giảm khoảng 2% thuế VAT đối với rất nhiều loại hàng hóa, từ 10% xuống khoảng 8% sẽ tập trung vào giảm chi phí của người tiêu dùng xuống và tăng nhu cầu của người tiêu dùng lên.
Hai là liên quan đến gói hạ tầng, bây giờ giá trị xuất nhập khẩu so với GDP của Việt Nam là hơn 200%, do vậy việc đầu tư vào hạ tầng rất quan trọng, không chỉ góp phần tăng trưởng GDP mà còn giảm chi phí chung của toàn xã hội, từ đó thu hút nguồn đầu tư tạo ra động lực tăng trưởng mới trong tương lai. Thứ ba liên quan đến chính sách tiền tệ, chính sách này sẽ được điều tiết một cách linh hoạt theo xu hướng giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1% trong vòng 1-2 năm tới.
Tôi nghĩ điều này rất quan trọng, tổng quy mô tín dụng của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam đang xấp xỉ khoảng 10 triệu tỷ đồng. Mọi người cứ hình dung với 0,5-1% lãi suất sẽ tương đương với 50.000-100.000 tỷ đồng/năm. Nếu như mặt bằng lãi suất được giảm sẽ hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp và cho người dân. Từ đó, chúng ta phục hồi được cầu thì sẽ phục hồi được nền kinh tế của Việt Nam trên mức tăng trưởng tiềm năng là 6,5% GDP/năm.
Vẫn còn một số ý kiến lo ngại, nếu có thêm gói kích thích kinh tế sẽ gây ra một số hệ luỵ như lạm phát chẳng hạn, giống một số nước đi trước. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Ông Trần Thăng Long: Những cuộc khủng hoảng kinh tế giống như những chu kỳ mà khó tránh khỏi được, nó sẽ kéo dài 5 năm, 10 năm thậm chí 20 năm sẽ lặp lại một lần. Khi mà khủng hoảng xảy ra thì biện pháp tốt nhất để chống lại khủng hoảng là tăng cường chi tiêu và từ đó phục hồi nhu cầu trong nước. Theo thống kê từ IMF, gần như trong 200 quốc gia thì quốc gia nào cũng đưa ra những chính sách tương tự như vậy. Và chúng ta cũng đang học từ những kinh nghiệm của họ.
Trong những năm vừa rồi, chúng ta thấy Châu Âu, Mỹ, những quốc gia phát triển có phản ứng khá mạnh, sau đấy lạm phát tăng lên mức 5%, 6% là mức rất đáng ngạc nhiên, trong khi đấy tại Việt Nam chúng ta có gói kích thích kinh tế vừa phải vào năm ngoái, CPI của chúng ta vẫn đang ở dưới 2% trong năm 2021.
Việt Nam đang có những lợi thế nhất định, do vậy gói kích thích ở quy mô 350.000 tỷ đồng thì sẽ không phải quá là một cú sốc lớn với nền kinh tế, tương đương trung bình ở các quốc gia mới nổi khác, chúng ta sẽ nhìn thấy là lạm phát sẽ vẫn duy trì ở mức độ vừa phải với mục tiêu có thể từ 3-4%.
Nếu gói hỗ trợ này được thông qua sẽ tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán nói chung và các nhóm ngành nói riêng trong năm 2022?
Ông Trần Thăng Long: Trong năm 2022, kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ khởi sắc so với 2 năm trước đây, chúng ta sẽ bắt nhịp lại với mức tăng trưởng tiềm năng là 6,5%, thậm chí là có thể vượt mức này nếu như các giải pháp đưa ra được thực hiện một cách nhanh chóng trong năm nay.
Đối với thị trường, tôi cho rằng năm nay sẽ là năm có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư và có thể là cơ hội sẽ đến tương đối sớm trong giai đoạn đầu năm, còn giữa năm, chúng ta sẽ có khó khăn một chút, do chính sách tiền tệ ở một số quốc gia chủ chốt trên thế giới có xu hướng thắt chặt đi. Tuy nhiên thị trường vẫn sẽ được hỗ trợ đến thời điểm cuối năm. Sẽ có những nhóm ngành được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này, những doanh nghiệp thuộc nhóm bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID trong năm nay hoặc năm sau sẽ được đưa vào nhóm được hưởng lợi về mặt lãi suất, chẳng hạn như hàng không, du lịch hay là công nghệ thông tin, doanh nghiệp liên quan tới cơ sở hạ tầng, xây dựng, nguyên vật liệu cũng sẽ được hưởng lợi từ gói này.
Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu của doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất độn sảng trên hai sàn, trên cả Upcom đang rất lớn, trong đấy không phải doanh nghiệp nào cũng có kết quả kinh doanh tốt hay có quỹ đất dự trữ tốt và nhà đầu tư cần phải phân tích kỹ, chi tiết, để từ đấy có những lựa chọn phù hợp.