Covid-19 khiến cho hoạt động của nhiều ngân hàng trở nên khó khăn, nợ xấu toàn hệ thống tăng mạnh, các ngân hàng phải hi sinh lợi nhuận, cắt giảm chi phí, lương thưởng và sẻ chia hàng chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch và thiên tai. Bên cạnh những khó khăn thì ngành ngân hàng cũng vẫn ghi đậm những dấu ấn khá lạc quan, chẳng hạn lãi suất giảm sâu nhất trong khu vực, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, ngân hàng ồ ạt lên sàn, giá cổ phiếu bùng nổ, hoạt động chuyển đổi số diễn ra rầm rộ, lợi nhuận của một số ngân hàng vẫn tăng vọt bất chấp khó khăn...
Nhân dịp đầu năm mới, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với chuyên gia tài chính, TS. Đỗ Hoài Linh, Giảng viên Viện Ngân hàng Tài chính (ĐH Kinh tế Quốc dân) về những dự cảm với ngành ngân hàng 2021.
PV: Bà đánh giá thế nào về hoạt động chung của ngành ngân hàng năm 2020?
PGS.TS. Đỗ Hoài Linh: Đại dịch Covid-19 đã phá bỏ mọi dự báo về tăng trưởng kinh tế trên khắp toàn cầu. Không chỉ với hệ thống ngân hàng mà với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phải đối mặt với rất nhiều bất định.
Thứ nhất là về cầu tín dụng, 98% các doanh nghiệp của chúng ta có quy mô vừa và nhỏ, với việc phát triển của doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng ngân hàng do khó có thể huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu hay trái phiếu. Do đó, mặc dù hệ thống ngân hàng đã rất tích cục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất cho vay giảm mạnh từ 0,5-2,5%, thậm chí có ngân hàng thương mại còn giảm lãi suất cho vay tới 3-4%/năm, cùng với đó thủ tục vay vốn được đơn giản hóa, cải cách hành chính, đẩy mạnh các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp thì mức tăng trưởng tín dụng với mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt mức hơn 10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 14%.
11 tháng đầu năm 2020, cả nước có 125 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019, có hơn 85 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng hơn 50% với cùng kỳ năm 2019. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 tiếp tục cho thấy nhu cầu hấp thụ tín dụng sẽ còn yếu và sụt giảm. Tuy nhiên, bên cạnh mảng màu ảm đạm của tăng trưởng tín dụng thì điểm sáng đó là dòng chảy tín dụng vẫn đang đổ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, ứng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Thứ hai, hoạt động thanh toán ngân hàng nhận được nhiều cơ hội từ ảnh hưởng của Covid-19 trong việc thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng, kết hợp với nhiều sản phẩm mới với nhiều tiện ích và hiện đại được áp dụng. Theo số liệu từ Vụ Thanh Toán (NHNN) trong 5 năm qua, tổng số lượng thanh toán qua kênh Internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán tăng 353%; thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng nhưng tăng tới 3.000% về giá trị. Bên cạnh đó, hoạt động ngân hàng đang trong hành trình chuyển đổi để có thể cung cấp trải nghiệm số hóa toàn diện, trở thành một sàn giao dịch với đa dạng các dịch vụ và sản phẩm, cung cấp giải pháp kinh doanh chứ không chỉ đơn thuần là dịch vụ ngân hàng. 88% các tổ chức tín dụng lựa chọn triển khai số hóa dần các kênh giao tiếp khách hàng và nghiệp vụ nội bộ, 19% tổ chức tín dụng đã hoặc có kế hoạch thiết lập thương hiệu hoặc kênh ngân hàng số mới.
Thứ ba, mặc dù Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2020 có đặt ra mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%, và theo số liệu mới nhất từ NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD được kiểm soát ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, con số này chỉ phản ánh phần nào tình hình thực tế, bởi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các NHTM được phép cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng, do đó, nợ xấu thực tế cao hơn con số báo cáo. Ngoài ra, theo Báo cáo tài chính của nhiều NHTM công bố cho thấy tỷ lệ nợ xấu những tháng cuối năm tăng đáng kể so với trước đó. Đã có 14 NHTM niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý III với tỉ lệ nợ xấu tăng trung bình 30% so với quý II/2020. Điều này cũng khá dễ hiểu vì khi doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ sẽ gặp nhiều khó khăn, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng.
Thứ tư, mảng màu cuối cùng trong bức tranh ngành ngân hàng phải kể đến đó là lợi nhuận. Báo cáo của công ty chứng khoán SSI cho thấy lợi nhuận trước thuế cho các ngân hàng nghiên cứu cho năm 2020 đạt 110.700 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Cụ thể, ước tính lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại Nhà nước giảm 6% trong năm 2020, các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tăng 9% trong năm 2020. Tuy nhiên, dưới các chính sách hỗ trợ hiện tại của Chính Phủ và Ngân hàng Nhà nước, con số lợi nhuận công bố có thể cao hơn nhiều so với thực tế, đặc biệt khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các NHTM được phép cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng, do đó, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hiện tại có thể vẫn chưa được tính đúng và đủ, từ đó giúp thổi phồng lợi nhuận báo cáo của ngân hàng so với thực tế.
Tăng trưởng tín dụng đến 21/12 đã đạt 10,14%, theo bà cả năm sẽ đạt bao nhiêu?
Trước nhu cầu vay vốn suy yếu, ngân hàng dù muốn đẩy mạnh cho vay ra, thậm chí giảm mạnh lãi suất, cải thiện các thủ tục hành chính để hỗ trợ hay kích thích, thì tín dụng muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao như mục tiêu trước đây là vô cùng thách thức.
Hiện tại tổng vay tiêu dùng trên dư nợ của Việt Nam vào khoảng 11-12% tổng dư nợ. Khi tổng chi tiêu của người dân sụt giảm, nhu cầu vay tiêu dùng cũng sẽ giảm tương ứng. Nên trước sự suy giảm chi tiêu của hộ gia đình được ghi nhận ở mức đáng kể là 15%, mục tiêu đạt mốc 1 triệu tỷ đồng cho vay tiêu dùng trong năm 2020, rồi tiến tới mục tiêu xa hơn là nâng tỷ trọng vay tiêu dùng trên dư nợ lên mức 40-50% tổng dư nợ để đạt mức tỷ trọng của các nước phát triển là điều không khả thi.
Ngoài ra, trước ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19, các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất gồm: i) chi phí y tế trong phòng-chống dịch; ii) du lịch, lữ hành, khách sạn; iii) giao thông vận tải; iv) thương mại; (v) đầu tư; (vi) các ngành sản xuất theo chuỗi; và (vi) dịch vụ tài chính. Cùng với đó, dịch bệnh này khiến GDP toàn cầu giảm, do đó mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 14% chắc chắn là không thể đạt được. Tôi dự đoán tăng trưởng vào khoảng 11%.
Còn nợ xấu sẽ thế nào?
Như đã phân tích ở trên, năm 2020 là năm với nhiều bất ngờ bởi tác động của đại dịch Covid-19, ngoài sự khó khăn của nội bộ thì nền kinh tế chúng ta ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế, đến thời điểm này rất nhiều quốc gia vẫn ghi nhận gia tăng ca nhiễm Covid mới và đang phân vân giữa lựa chọn mở cửa lại nền kinh tế hay tiếp tục thắt chặt để đối phó với đại dịch nên các doanh nghiệp gặp khó, không có khả năng trả nợ, do vậy, theo nhận định của cá nhân tôi, hoàn thành mục tiêu nợ xấu dưới 2% trong năm 2020 là không khả thi.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không nên nới trần tỷ lệ nợ xấu cho các tổ chức tín dụng vì đây là chỉ tiêu để giúp đánh giá hiện trạng nợ xấu các ngân hàng, đồng thời cũng là mục tiêu để các ngân hàng tuân thủ quy trình tín dụng, hướng dòng tín dụng không được chảy vào những lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản hay chứng khoán.
Bà dự báo như ra sao về "bức tranh" ngành ngân hàng năm 2021?
Nằm trong bối cảnh chung của toàn bộ nền kinh tế, năm 2021 với ngành ngân hàng sẽ có nhiều gam màu lạc quan nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều bất định khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, các áp lực từ các cuộc căng thẳng thương mại trên thế giới vẫn chưa có hồi kết rõ ràng do những biến động mới về chính trị.
Tuy nhiên, có thể nhận định nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng năm 2021 tiếp tục gia tăng, nhưng nguồn gốc của các khoản nợ tiềm ẩn này đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh nên sẽ dễ dàng phục hồi hơn nếu nợ xấu đến từ những lĩnh vực tạo bong bóng. Lợi nhuận của các ngân hàng trên sổ sách tiếp tục tăng trưởng, nhưng lợi nhuận thực tế có thể suy giảm mạnh mẽ nếu rủi ro tín dụng không được kiểm soát chặt chẽ.
Độ trễ trong tác động của bất lợi của Covid-19 làm cho nhu cầu tín dụng của nền kinh tế năm 2021 khó cải thiện tức thời. Từ đó, tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ chỉ đạt bằng con số thực tế năm 2020 hoặc cao hơn 2%. Thanh khoản toàn thị trường dồi dào; lãi suất tiếp tục duy trì mức thấp và còn có xu hướng giảm tiếp sang năm 2021. Trước tình hình đó, nếu dòng vốn ngân hàng nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dễ đổ vào bất động sản và chứng khoán, điều này tiềm ẩn rủi ro với không chỉ hệ thống ngân hàng mà còn toàn bộ nền kinh tế nếu xảy ra bong bóng với hai thị trường này.
Ngoài ra, tiến trình số hóa ngân hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn ngay cả khi dịch Covid-19 được khống chế vì hiện tại 95% ngân hàng đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số với kỳ vọng giúp tăng 10% doanh thu và 50% số lượng khách hàng trong 3-5 năm tới.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!