Bước sang năm 2021, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19 được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng.
Theo ông Tú, với bối cảnh đặc biệt của năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã sớm chủ động, khẩn trương, quyết liệt và kịp thời triển khai các giải pháp chính sách tiền tệ, tín dụng hỗ trợ nền kinh tế ứng phó đại dịch Covid-19.
Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể tới việc Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng ban hành Thông tư 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch covid-19.
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 335 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.
Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 400 nghìn khách hàng.
Ngoài ra, ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.
Ông Tú cho biết thêm, hiện Ngân hàng Nhà nước đang trình Thủ tướng Chính phủ nội dung sửa đổi Thông tư 01 theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi dựa vào nguồn lực của các tổ chức tín dụng.
“Thông tư 01 sửa đổi phải đáp ứng hai yêu cầu là tiếp tục cơ cấu nợ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo năng lực tài chính cho ngân hàng và tránh rủi ro cho tương lai. Hai yêu cầu này có thể đối lập nhau nhưng khi sửa đổi sẽ hài hoà giữa hai yếu tố này”, ông Tú nói.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi với các lãnh đạo ngân hàng là "năm nay, chia sẻ với người dân thế nào, giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào", "chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu". Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu dứt khoát ngành ngân hàng không được để thiếu vốn tín dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Được biết, với vai trò đi đầu trong việc thực thi các chính sách tiền tệ, các ngân hàng thương mại nhà nước mới đây đã lần lượt công bố số liệu lợi nhuận giảm trong năm 2020 để hỗ trợ nền kinh tế vượt đại dịch Covid-19.
Cụ thể, lãnh đạo Vietcombank cho biết, ngân hàng này đã có 5 đợt giảm lãi suất – nhiều nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng, với số tiền lợi nhuận bị giảm lên tới 3.700 tỷ đồng.
VietinBank cũng đã dành gần 5.000 tỷ đồng thông qua cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm, miễn phí, đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.
Hay như tại BIDV, ngân hàng này cho hay đã chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giảm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.