Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đừng vội mừng khi khẳng định con số tuổi thọ bình quân của Việt Nam là 76,6 tuổi mà phải hiểu rằng, chất lượng cuộc sống của người về hưu đang rất thấp và phải tính đến chất lượng dân số.
Một trong những lý do mà dự thảo Luật sửa đổi Bộ luật Lao động đưa ra để tăng tuổi nghỉ hưu là thời gian tới Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ già hoá dân số. Ý Kiến ông về vấn đề này thế nào?
Thời kỳ già hóa dân số của Việt Nam bắt đầu từ năm 2011, đến năm 2025 có khoảng 25% dân số già. Như vậy, thời gian tới nước ta sẽ đối mặt với nguy cơ thuê nguồn lao động từ nước ngoài nên việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi, Ban soạn thảo cần phải xác định được các ngành, nghề nào cần tăng tuổi nghỉ hưu và ngành nghề nào được về hưu trước tuổi, để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp Quốc hội tới đây.
Các ngành, nghề phù hợp cho việc nâng tuổi nghỉ hưu là nghề nghiên cứu khoa học, đối với nữ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong nghiên cứu. Trong lĩnh vực quản lý, đối với nữ cán bộ lãnh đạo có năng lực, đủ sức khỏe, nguyện vọng tiếp tục công tác. Trong lĩnh vực hành chính, đối với chuyên gia cao cấp và chuyên viên cao cấp còn năng lực cống hiến, trong đó cần xem xét đến yếu tố vị trí công tác còn có nhu cầu hay không.
Việc tăng tuổi hưu đối với một số ngành nghề như da giày, dệt may, chế biến thủy sản, giáo viên mầm non, diễn viên múa... dễ dẫn đến tình trạng sức khỏe của nhóm lao động nữ khu vực này sau nghỉ hưu sẽ giảm sút và có thể kéo theo các chi phí chăm sóc sức khỏe, y tế nhiều hơn.
Điều này ảnh hưởng không chỉ với mỗi cá nhân người lao động mà cả với chi phí từ quỹ bảo hiểm y tế. Nói cách khác, không nên để xảy ra tình trạng vì tăng tuổi nghỉ hưu mà người lao động khi trẻ lấy sức khỏe đi kiếm tiền, khi về già lại mang tiền đi mua sức khỏe...
Nhưng có ý kiến cho rằng, mức tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ do dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đề xuất vẫn thấp so với các nước xung quanh?
Điều này đúng so với khu vực nhưng lại không đúng với thực tiễn Việt Nam. Chúng ta đừng vui mừng khi khẳng định con số tuổi thọ bình quân của Việt Nam là 76,6 tuổi mà phải hiểu rằng, chất lượng cuộc sống của người về hưu đang rất thấp và phải tính đến chất lượng dân số.
Chính vì lẽ đó, Trung ương đã có Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới, chính là để nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo cho nguồn nhân lực bền vững hơn. Đến một lúc nào đó, việc tăng lên 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam sẽ được xem xét điều chỉnh, còn hiện tại chưa đủ điều kiện. Pháp luật không thể cứng nhắc, khi nào thấy thuận lợi thì phải điều chỉnh để đảm bảo được nguyện vọng, lợi ích của người dân.
Vậy theo ông, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ giúp tận dụng lực lượng lao động lớn tuổi tham gia vào các hoạt động kinh tế ra sao?
Trong Bộ luật Lao động hiện hành đang quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60 và nữ là 55 tuổi, với những ngành nghề nặng nhọc, độc hại còn nghỉ sớm từ 5 – 10 năm, rõ ràng là nguồn nhân lực của chúng ta đang giảm đi. Xu hướng chung về quá trình già hóa dân số sẽ đến lúc nước ta thiếu nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, dù đã có quy định nhưng thực tế tuổi nghỉ hưu bình quân hiện chỉ đạt 54 tuổi. Như vậy là chúng ta đang về hưu không đúng quy định hiện hành. Theo đánh giá của các cơ quan nghiên cứu khoa học, trong tổng lực lượng đã nghỉ hưu đang hưởng lương hưu thì vẫn có 42% đang làm việc. Nếu tỷ lệ này tiếp tục làm việc, đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội thì chắc chắn khi về hưu họ sẽ có mức lương hưu cao hơn.
Do đó, với thực trạng tuổi nghỉ hưu như hiện nay, chúng ta đang lãng phí một lực lượng nguồn nhân lực rất quan trọng, trong khi thực tế đây là những người có chuyên môn, trình độ quản lý và tay nghề cao.
Nghị quyết số 28/TƯ về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đưa ra những giải pháp và mục tiêu hết sức quan trọng, đó là huy động và phát huy nguồn lực lao động đã hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, đã hưởng lương hưu tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Vì lẽ đó, tăng tuổi nghỉ hưu là huy động nguồn nhân lực có chất lượng, thực tế nếu không quy định thì đến tuổi người lao động vẫn nghỉ, nhưng vẫn làm việc. Ví dụ một bác sỹ rất giỏi khi nghỉ hưu họ vẫn làm việc ở các bệnh viện tư, vẫn mở phòng khám và lương của họ rất cao. Vậy tại sao chúng ta không sử dụng những nguồn nhân lực này làm động lực để phát triển các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội?