Thông tin người máy gia tăng lợi thế sau đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu người trẻ Việt có nguy cơ mất việc của Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến đưa ra mới đây đang được dư luận quan tâm.
Theo lý giải của ông Tiến, đại dịch Covid-19 và những tác động đến giãn cách kéo dài ngày càng thôi thúc các nhà sản xuất tìm đến người máy. Bên cạnh đó, giá mua của người máy hiện nay đã rẻ hơn, hợp lý hơn.
So về năng suất và lợi thế quy mô, người máy làm việc tại các dây truyền sản xuất mặc định sẽ lợi thế hơn nhiều so với con người.
Theo Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (MGI), 10 năm tới thế giới sẽ có khoảng 800 triệu người sẽ mất việc vào tay robot. MGI tiến hành nghiên cứu vấn đề thay thế robot ở 46 quốc gia, cùng 800 ngành nghề, theo đó xác định 1/5 số lao động là công nhân làm việc các ngành nghề giản đơn, dập khuôn theo lập trình sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình tự động hóa.
Robot hóa các dây chuyền sản xuất có thể sẽ gia tăng lợi thế trước con người trong thời đại biến động của dịch bệnh (Ảnh Bloomberg). |
Những người hoạt động trong chuỗi dây chuyền lắp ráp thiết bị điện tử, may mặc, đóng gói, chế biến nông thủy sản và đồ gỗ sẽ đứng trước những nguy cơ bị đào thải do robot.
Thậm chí với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, những ngành nghề như kế toán, dịch vụ ngân hàng giản đơn có thể không còn cần nhiều lao động, xu hướng khó xin việc hơn.
Tuy nhiên, những ngành nghề đòi hỏi sáng tạo, công việc đòi hỏi tương tác cao, tạo dựng môi trường có giá trị gia tăng cao như bác sĩ, luật sư, giáo viên, kỹ sư lập trình không hoặc ít bị ảnh hưởng hơn.
Đáng nói, công việc làm vườn, sửa chữa điện tử, dịch vụ chăm sóc người già, trẻ nhỏ... ít bị ảnh hưởng do đòi hỏi sự sáng tạo, phức tạp và di biến động.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiện có hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ của khoa học công nghệ trong ngành này.
Đặc biệt, lao động của Việt Nam, Campuchia và Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ xu thế tự động hóa.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đưa ra cảnh báo: 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may - da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa, trong khi đó 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện - điện tử có thể sẽ bị robot thay thế trong vòng 10 năm tới, khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang được nhiều quốc gia áp dụng.
Theo ILO những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%); nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%); nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%); "top" 5 nghề không bị robot thay thế là: luật sư, nhà báo, nông dân, bác sĩ, nhà nghiên cứu.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng: Các nước phát triển sẽ đi đầu trong ứng dụng robot, AI vào sản xuất để có năng suất và lợi thế quy mô và việc làm bị tước đoạt tại các nước giàu nhiều hơn là nước nghèo, đang phát triển.
Tuy nhiên, xu hướng này sẽ sớm tác động đến các nước có lợi thế nhân công giá rẻ, sử dụng nhiều lao động vào sản xuất, chuỗi cung ứng như Việt Nam. Giải pháp bắt buộc là phải đào tạo lực lượng lao động chủ động thích ứng với tình hình mới.
(Theo Dân Trí)