Khách hàng được nói đến ở đây là Trung Quốc, sản phẩm xuất khẩu là đậu tương. Năm 2017, Mỹ bán 21 tỷ USD đậu tương ra nước ngoài, giá trị nông sản xuất khẩu như vậy cao hơn hẳn so với giá trị của bất kỳ loại nông sản nào khác mà nông dân Mỹ từng sản xuất ra. Điều này đánh giá thay đổi bước ngoặt lần đầu tiên trong 2 thập kỷ, thành quả không ngừng của mỗi nông trại Mỹ trong việc xây dựng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Đến năm ngoái, do tranh chấp thương mại căng thẳng, đậu tương Mỹ xuất sang Trung Quốc giảm đến 74% tính theo khối lượng. Braxin nhanh chóng lấp vào khoảng trống nhập khẩu này. Giá đậu tương Mỹ mới đây rớt xuống mức thấp nhất trong 7 năm.
Những khó khăn nói trên lý giải cho việc tại sao ông Jim Sutter phải đến “uống trà” tại trụ sở của một trong những công ty kinh doanh ngũ cốc lớn nhất Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ông Sutter là chủ nông trại tại Colorado, đồng thời hiện đang làm giám đốc điều hành Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Mỹ. Ông đang cố gắng làm tất cả những gì có thể để có thể cứu vãn mối quan hệ nông nghiệp của Mỹ với Trung Quốc.
Nhiệm vụ của ông Sutter khá đơn giản: trấn an người mua Trung Quốc rằng nông dân Mỹ không hề có ý định gì xấu và sẵn sàng nối lại việc làm ăn kinh doanh quy mô lớn một khi chiến tranh thương mại kết thúc. Ngay cả nhiều đối tác mà ông gặp gỡ tại Trung Quốc cũng đồng thuận rằng sẽ thật tốt khi nối lại công việc kinh doanh.
Đậu tương đã luôn được đưa vào các cuộc đàm phán thương mại: Trước khi hai bên đồng ý nối lại đàm phán thương mại vào tuần trước, chính quyền Tổng thống Trump cho biết phía Trung Quốc đã mua 544 nghìn tấn đậu tương chỉ ngay trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump gặp gỡ bên lề một hội nghị tại Nhật.
Tổng thống Trump, người vốn nhận được ủng hộ nhiệt tình từ các nông dân Mỹ, đã kêu gọi nông dân Mỹ yêu nước chấp nhận hy sinh để nước Mỹ có thể cải thiện vị thế thương mại với Trung Quốc.
Thỏa thuận nối lại đàm phán thương mại trong đó có bao gồm cam kết từ phía Trung Quốc trong việc mua lượng lớn nông sản Mỹ, theo khẳng định của Tổng thống Trump. Dù vậy, các biện pháp trả đũa thuế quan mà Trung Quốc áp với đậu tương Mỹ vẫn được duy trì, nông dân Mỹ vì vậy khó khăn với hàng tỷ USD doanh thu hao hụt khi không bán được hàng cho Trung Quốc.
Tổng thống Trump lần đầu áp thuế với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu Mỹ vào mùa xuân năm 2018 trong động thái trực tiếp nhắm đến Trung Quốc, nơi mà hoạt động sản xuất thừa mứa đã dẫn đến giá sản phẩm trên toàn cầu sụt giảm, tác động xấu đến các nhà sản xuất Mỹ.
Sau đó nhiều biện pháp đánh thuế khác được đưa ra, trong đó bao gồm tăng thuế với hàng loạt mặt hàng từ Trung Quốc, từ hải sản cho đến túi xách để nhằm cân bằng cán cân thương mại và ngăn chặn cái mà chính quyền Mỹ gọi là hành động thương mại thiếu công bằng từ phía Trung Quốc.
Một nông dân bang Arkansas đồng thời đang giữ chức chủ tịch hội đồng xuất khẩu Mỹ, ông Derek Haigwood, khẳng định: “Chúng ta cần phải có thị trường này. Bạn không thể sản xuất ra thêm được một Trung Quốc khác, ít nhất qua một đêm khả năng đó không thể xảy ra”.
Nông dân Mỹ, trong nỗ lực cố gắng giữ được thị trường Trung Quốc, đang gây sức ép lên chính quyền Mỹ nhằm dàn xếp tranh chấp, theo đuổi các kênh trực tiếp bán hàng sang Trung Quốc đồng thời giải quyết những phàn nàn của họ.