Theo báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô quý 1/2018 của bộ phận phân tích SSI Retail Research thuộc công ty chứng khoán SSI, ngành nông nghiệp Việt Nam trong quý đầu năm nay đạt mức tăng trưởng 3,76%, cao nhất 50 quý, nhờ sản xuất lúa gặp thuận lợi cả về thời tiết lẫn giá cả.
Sản lượng lúa mùa và lúa đông xuân của vùng ĐBSCL lần lượt đạt 909 nghìn tấn và 10,3 triệu tấn, tăng 20% và 3,7%. Giá gạo trong nước trung bình trong quý 1/2018 đã tăng xấp xỉ 18% so với cùng kỳ 2017 chủ yếu nhờ khai thông được thị trường xuất khẩu. Xuất khẩu gạo quý 1 tăng 9,1% về lượng nhưng tăng tới 23,8% về giá trị (cùng kỳ giảm 19,5%).
Trong các thị trường nhập khẩu gạo của Việt nam, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với hơn 1 tỷ USD trong năm 2017, tăng 32% và gấp 4,5 lần thị trường đứng thứ 2 là Philippines.
Thời tiết thuận lợi cũng giúp tăng năng suất rau quả, tuy vậy do sản lượng cao vượt nhu cầu đã khiến giá rau củ rớt mạnh, gây thiệt hại cho người nông dân. Điểm tích cực là xuất khẩu rau quả trong quý I/2018 tiếp tục có tăng trưởng cao 35% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, ngành thủy sản duy trì tăng trưởng cao nhờ thủy sản nuôi trồng, bao gồm cả cá và tôm đều có thuận lợi về thời tiết và giá bán. Sản lượng cá tra quý I/2018 đạt 222 nghìn tấn, tăng 5,7% và sản lượng tôm sú đạt 41,2 nghìn tấn, tăng 4,8%, đặc biệt tôm thẻ chân trắng đạt 40,9 nghìn tấn, tăng 9,1%.
Mô hình nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng đang mang lại kết quả tốt, giúp gia tăng nhanh sản lượng trong khi nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường chính đều rất ổn định. Từ tháng 12/2017, thuế nhập khẩu tôm vào Trung Quốc giảm từ 5% xuống 2%, hứa hẹn sẽ mang lại tác động tích cực cho xuất khẩu tôm 2018.
Ngoài những thuận lợi của sản xuất lúa gạo và rau củ thì một số ngành lại gặp khó. Chẳng hạn cao su - một trong những mặt hàng tạo ra tăng trưởng cho ngành nông nghiệp năm 2017 - đang giảm sút do bất lợi về giá. Xuất khẩu cao su quý I/2018 tăng 10,5% về lượng nhưng lại giảm 19,8% về giá trị. Giá cao su tự nhiên trung bình quý I/2018 đã giảm 32% so với quý I/2017 bất chấp giá dầu trung bình tăng 13%.
Hay như chăn nuôi lợn cũng tiếp tục gặp khó khăn do giá thấp. Tổng đàn lợn tháng 3 giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2018 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Bù lại, chăn nuôi gia cầm lại phát triển tốt nhờ ít dịch bệnh và giá bán ổn định. Tổng đàn gia cầm tháng 3 tăng 6,6% và sản lượng tăng 6,8%.
Do đàn lợn giảm, sản lượng thức ăn chăn nuôi trong quý I/2018 chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ. Cùng kỳ 2017 khi giá lợn vẫn ở mức cao, sản lượng thức ăn chăn nuôi tăng 9,3%. Hiện tại, giá thịt lợn tại Trung Quốc đang ở vùng đáy của nhiều năm, rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chăn nuôi lợn và nhu cầu thức ăn chăn nuôi tại Việt nam trong những tháng tới.