Chỉ đạo hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp bền vững theo chiều sâu, nâng cao năng suất lao động.
Trong năm 2021, ngành nông nghiệp đã có đóng góp quan trọng với vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Chính vì thế, để ngành nông nghiệp thực hiện được sứ mệnh của mình, cần quyết tâm hơn nữa, đặt mục tiêu cao hơn nữa cho năm 2022 về tăng trưởng và xuất khẩu. Và mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân.
Tháng 1/2022, các địa phương phía Bắc có năng suất gieo cấy đạt 132,1 nghìn ha, bằng 201,5% do thời tiết thuận lợi mưa ẩm và lạnh vừa phải nên tiến độ gieo cấy lúa được đẩy nhanh. Cùng với đó, các địa phương phía Nam đạt 1.777,7 nghìn ha, bằng 101,3%. Đặc biệt, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.436,6 nghìn ha, bằng 100,6%.
Để tạo được hiệu quả sản xuất tốt, nông dân cần theo dõi, tuân thủ lịch thời vụ, thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để đảm bảo cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Cụ thể, tại miền Bắc, các địa phương cần sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, đồng thời bám sát lịch xả nước từ các hồ chứa để tranh thủ lấy nước, tích nước trong hệ thống, đủ nước phục vụ sản xuất, đảm bảo tiến độ gieo cấy trà lúa đông xuân còn lại.
Còn tại các địa phương phía Nam, người dân cần tăng cường áp dụng gói kỹ thuật như sử dụng giống lúa có chứng nhận và giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm nước tưới thông qua kỹ thuật ngập-khô xen kẽ, giảm số lần sử dụng thuốc trừ sâu và giảm thất thoát sau thu hoạch. Từ đó, người nông dân có thể giảm chi phí tưới tiêu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, chất lượng lúa gạo.
Gieo trồng một số cây hàng năm (tính đến 15/01/2022). Nguồn: TCTK.
Theo dữ liệu thống kê, diện tích một số cây rau màu vụ đông xuân giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khoai lang và đậu tương giảm mạnh chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao và gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, chăn nuôi trong tháng 1/2022 phát triển tốt. Chăn nuôi bò phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn có dấu hiệu khởi sắc do giá thịt lợn hơi tăng so với tháng trước. Các cơ sở chăn nuôi giữ quy mô ổn định, đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán.