Ngành ôtô Việt Nam vừa trải qua năm 2017 đáng nhớ với đầy ắp những sự kiện và vấn đề nổi bật, trong đó đáng chú ý có một vài sự kiện mang tính chất bước ngoặt.
Giảm thuế nhập khẩu, ôtô ASEAN "lên đỉnh"
Ngay khi thời gian bước sang năm 2017, người tiêu dùng ôtô trong nước đã đón nhận một tin vui.
Đó là thuế suất thuế nhập khẩu một số loại ôtô nguyên chiếc (CBU) có xuất xứ từ các nước nội khối ASEAN bắt đầu giảm xuống mức 30%. Thuế suất áp dụng trong năm 2016 của các loại ôtô này theo quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) mà Việt Nam là một thành viên ở mức 40%.
Giảm thêm 10% so với năm 2017, giá bán lẻ của nhiều loại ôtô phổ thông được kỳ vọng sẽ giảm xuống, qua đó tăng cơ hội mua sắm và sử dụng cho người tiêu dùng. Về lý thuyết, với cách đánh thuế xếp chồng lên nhau mà thuế nhập khẩu là sắc thuế cơ bản đầu tiên, giá bán lẻ ôtô buộc phải giảm. Bên cạnh đó, từ sức ép giảm thuế của nhóm ôtô này, giá bán lẻ của các loại ôtô phổ thông khác cũng sẽ giảm nhẹ theo hoặc ít nhất không tăng giá nhằm duy trì sức cạnh tranh.
Trên thực tế, sau khi thuế nhập khẩu giảm về 30%, giá bán lẻ của một số loại ôtô xuất xứ Đông Nam Á cũng đã giảm xuống với tỷ lệ dao động 3-5%.
Thuế giảm đã trở thành một cú hích giúp cho kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ các nước nội khối ASEAN, cụ thể là Thái Lan và Indonesia, tăng mạnh và duy trì ở mức cao trong năm 2017.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, cộng dồn 11 tháng năm 2017, tổng lượng ôtô CBU nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia đã đạt 46.870 chiếc, vượt rất xa so với con số 31.148 chiếc được nhập khẩu từ toàn bộ 10 nước và vùng lãnh thổ còn lại mà Việt Nam đang nhập khẩu xe CBU. Giá trị kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ 2 quốc gia này cũng ở mức rất cao, đạt trên 847 triệu USD.
Thuế giảm đã trở thành một cú hích giúp cho kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ các nước nội khối ASEAN, cụ thể là Thái Lan và Indonesia, tăng mạnh và duy trì ở mức cao trong năm 2017.
Euro Auto dính lao lý, BMW về tay Trường Hải
Ngành ôtô Việt Nam năm 2017 đã chứng kiến một sự kiện lớn song không mấy vui vẻ.
Cuối năm 2016, Tổng cục Hải quan liên tiếp có các quyết định từ dừng thông quan các lô xe BMW được nhập khẩu bởi Euro Auto đến quyết định khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại doanh nghiệp này.
Đến cuối tháng 4/2017, Tổng giám đốc Euro Auto cùng 2 nhân sự khác tại đơn vị này bị bắt tạm giam để thực hiện điều tra.
Sau khi nhà phân phối Euro Auto dính lao lý, tập đoàn BMW cũng đã quyết định chuyển quyền phân phối 3 thương hiệu ôtô BMW, MINI và thương hiệu môtô phân khối lớn Motorrad sang cho tập đoàn Trường Hải. Trong đó đáng chú ý, Trường Hải cũng sẽ tiến hành sản xuất trong nước thay vì chỉ nhập khẩu và phân phối xe nguyên chiếc.
"Bão" giảm giá ôtô
Như đã đề cập ở phần trên, thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước nội khối ASEAN đã giảm từ mức 40% của năm 2016 xuống còn 30% ngay từ ngày 1/1/2017. Thuế giảm đã kéo theo giá của một số loại xe nhập khẩu giảm xuống, đồng thời gây sức ép để nhiều loại xe khác, kể cả xe lắp ráp trong nước (CKD), giảm theo nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh.
Theo suy luận thông thường, khi giá xe giảm thì sức mua ôtô trên thị trường sẽ tăng. Tuy nhiên, tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường trên thực tế lại chỉ cầm chừng và có những thời điểm giảm mạnh.
Nghịch lý giá giảm nhưng sức mua không tăng được lý giải bởi hiện tượng người tiêu dùng chờ đợi thuế nhập khẩu sẽ giảm tiếp về 0% vào năm nay (2018) để có thể mua xe với giá thấp hơn hẳn.
Mặc dù các hãng xe và kể cả một số nhà phân tích cho rằng, giá xe nhập khẩu năm 2018 chưa chắc đã giảm như kỳ vọng bởi không nhiều loại xe được hưởng thuế suất 0% do còn vướng một số điều kiện bắt buộc. Dù vậy, người tiêu dùng vẫn tiếp tục chờ đợi và qua đó, buộc các hãng xe phải bước vào cuộc đua giảm giá nhằm giải phóng sức mua.
Nếu như Trường Hải với 2 thương hiệu Mazda và Kia là ngoại lệ bởi đã liên tục giảm giá xe từ trước 2017 thì hầu hết các hãng xe khác đều buộc phải lao vào cuộc đua giảm giá bởi sức ép tâm lý tiêu dùng.
Hệ quả là, năm 2017 đã chứng kiến một đợt bão giảm giá với cường độ mạnh và quy mô lớn chưa từng thấy. Sau những quyết định giảm giá liên tiếp từ hầu hết các hãng xe phổ thông, mặt bằng giá xe tại Việt Nam được nhận định là đã ngang bằng với khu vực mặc dù các sắc thuế vẫn ở mức cao.
Thậm chí, sức ép từ thị trường đã buộc nhiều hãng xe phải tiến hành giảm giá ngay từ tháng cuối năm đối với những mẫu xe được hưởng thuế giảm theo lộ trình của năm 2018.
Vingroup tham gia sản xuất ôtô
Sự kiện tập đoàn bất động sản và nghỉ dưỡng VinGroup triển khai kế hoạch sản xuất ôtô với tổng quy mô vốn đầu tư 3,5 tỷ USD có thể coi là một bất ngờ lớn.
Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã có hơn 2 thập kỷ hình thành nhưng chưa thể phát triển, cho dù đã được hưởng nhiều lợi thế và sự hỗ trợ của chính sách. Bởi vậy, việc một "tay ngang" tham gia vào ngành siêu công nghiệp tại thời điểm này đã ít nhiều nhận được những ánh mắt ngờ vực đồng thời là cả những kỳ vọng.
Đáng chú ý là thay vì tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như nhiều doanh nghiệp khác mong muốn và kể cả xu hướng hiện nay của ngành, VinGroup (với thương hiệu VinFast) lại công bố chiến lược sản xuất ôtô thương hiệu Việt.
Để chứng minh quyết tâm và thể hiện khả năng thành công, ngay từ ban đầu VinGroup đã thực hiện một loạt công việc quan trọng như khởi công nhà máy quy mô lớn, thuê các trung tâm thiết kế lớn trên thế giới để thiết kế các mẫu xe và tuyển dụng các nhân sự cao cấp trong ngành công nghiệp ôtô thế giới (trong đó đáng chú ý có cựu Phó chủ tịch Tập đoàn GM Motor – Mỹ) về giữ một số vị trí trọng yếu.
Cùng với Hyundai Thành Công và Trường Hải, VinGroup đang góp phần thắp lại giấc mơ công nghiệp ôtô Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) trực tiếp nhấn nút khởi công nhà máy sản xuất ôtô Vinfast.
"Siết" xe nhập khẩu, "mở" nội địa
Trong bức tranh đầy ắp những nét ngang, nét xổ cùng những gam màu sáng tối đan xen, cuối năm 2017, ngành ôtô lại cùng lúc đón nhận 2 quyết định quan trọng về chính sách.
Cụ thể là trong tháng 10/2017, Chính phủ gần như đồng thời ban hành Nghị định 116 liên quan đến mặt hàng ôtô CBU và Nghị định 125 liên quan đến ôtô sản xuất trong nước.
Đáng chú ý, Nghị định 116 đã "dựng" lên một số hàng rào kỹ thuật đối với mặt hàng ôtô CBU, trong đó bao gồm các quy định về thủ tục, cơ sở bảo dưỡng – bảo hành… Những quy định này được xem như một hàng rào kỹ thuật khó vượt hơn cả những quy định tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương trước đây.
Thậm chí, quy định bắt buộc thực hiện kiểm định đối với từng lô xe nhập khẩu hiện nay đang khiến cho hoạt động nhập khẩu và phân phối của nhiều hãng xe bị nghẽn lại, bên cạnh đó giá xe cũng bị đẩy cao do bị tăng chi phí và thời gian từ hoạt động kiểm định.
Ở chiều ngược lại, trong khi xe CBU gặp khó khăn thì Nghị định 125 lại hỗ trợ cho các loại xe CKD. Cụ thể, theo Nghị định 125, thuế suất thuế nhập khẩu của nhóm linh kiện ôtô mang mã hải quan 98.49 với khoảng 30 bộ linh kiện sẽ giảm xuống 0% trong vòng 5 năm.
Nghị định 125 ngay lập tức có những tác động tích cực lên ngành sản xuất ôtô trong nước. Thậm chí, ngay từ tháng 12/2017, một số hãng xe đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ đối với một số mẫu xe đáp ứng được các điều kiện hưởng thuế linh kiện 0% theo Nghị định 125.