Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 20 ngày đầu tháng 6/2019, giá sắn nguyên liệu tại các vùng trên cả nước giảm nhẹ so với cuối tháng 5/2019, nhiều nhà máy tạm ngưng hoạt động do đầu ra xuất khẩu khó khăn. Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.400 - 2.700 đồng/kg. Tại Kon Tum, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.400 - 2.500 đồng/ kg. Tại miền Bắc, giá sắn mua xô dao động quanh mức 1.700 - 1.800 đồng/kg.
Do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn kéo dài nên năm nay vụ gieo trồng sắn tại các vùng của Việt Nam và Campuchia đều bắt đầu muộn hơn ít nhất 1 tháng so với cùng kỳ hàng năm, do đó sắn lát vụ mới năm 2019 - 2020 được nhận định sẽ có muộn hơn.
Tại Sơn La, do ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích sắn trồng mới bị chết khô hoặc phát triển chậm do thiếu nước. Với những diện tích sắn đã chết, người dân phải chuyển qua trồng cây khác do không có hom thay thế và nếu trồng lại cũng bị trễ tới 2 - 3 tháng so với cùng kỳ hàng năm. Do đó, sản lượng sắn tại Sơn La niên vụ 2019 - 2020 sẽ không đạt như kỳ vọng.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 5/2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 145,85 nghìn tấn, trị giá 58,03 triệu USD, giảm 39,3% về lượng và giảm 39,3% về trị giá so với tháng 4/2019, giảm 33,2% về lượng và giảm 40,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân tháng 5/2019 giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 397,8 USD/tấn. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 1,06 triệu tấn, trị giá 409,01 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và giảm 12,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; Giá xuất khẩu bình quân đạt 385,1 USD/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính riêng mặt hàng sắn, trong tháng 5/2019 xuất khẩu đạt 19,1 nghìn tấn, trị giá 4,52 triệu USD, giảm 56,1% về lượng và giảm 57,7% về trị giá so với tháng 4/2019, giảm 8,9% về lượng và giảm 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; Giá xuất khẩu bình quân giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 245,6 USD/tấn. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, lượng sắn xuất khẩu đạt 217,62 nghìn tấn, trị giá 44,27 triệu USD, giảm 58,1% về lượng và giảm 59,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; Giá xuất khẩu bình quân đạt 203,5 USD/tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Về thị trường xuất khẩu, trong tháng 5/2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam sang các thị trường đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018 do nhu cầu yếu, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong tháng 5/2019, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn chủ lực của Việt Nam, chiếm 84,1% tổng lượng sắn xuất khẩu, đạt 122,72 nghìn tấn, trị giá 49,66 triệu USD, giảm 43,1% về lượng và giảm 42,6% về trị giá so với tháng 4/2019, giảm 30,5% về lượng và giảm 38,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá xuất khẩu bình quân giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 404,7 USD/tấn.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, lượng sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 939,89 nghìn tấn, trị giá 362,68 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và giảm 10,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, giá xuất khẩu bình quân đạt 385,9 USD/tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc giảm do nhu cầu từ thị trường này giảm. Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức thấp thông qua đấu giá định kỳ, làm giảm nhu cầu tiêu thụ sắn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, thời gian tới, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn được dự báo tiếp tục ở mức thấp do nhu cầu từ Trung Quốc chậm. Nhu cầu tiêu thụ sắn lát của Trung Quốc dự báo có thể tăng trở lại sau khi Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu lên 25% với gói hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ khiến nguồn cung cồn nhập khẩu giảm. Tuy nhiên, để giảm áp lực thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, Trung Quốc đang áp dụng chính sách giảm giá đồng NDT, điều này gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn.