Theo số liệu từ Nikkei, chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam đã tăng nhẹ từ mức 51,2 điểm hồi tháng 2 lên 51,9 điểm trong tháng 3. Điều này cho thấy sự cải thiện của sức khoẻ lĩnh vực sản xuất tháng thứ 40 liên tiếp.
Nikkei nhận định dù có kết quả dưới mức trung bình của năm 2018 nhưng PMI đã ở trên ngưỡng 50 điểm vào cuối quý I. Lượng đơn đặt hàng mới cũng đã tăng tháng thứ 40 liên tiếp trong tháng này, trong đó, số lượng khách và đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng nhanh. Sản lượng của ngành sản xuất cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn tháng thứ 2 liên tiếp, mà theo Nikkei thì "chỉ nhanh hơn một chút so với số lượng đơn đặt hàng mới.
"Điều này cho phép các công ty giảm lượng công việc tồn đọng và tăng hàng tồn kho thành phẩm", Nikkei cho biết. Tuy nhiên, mức độ giảm lượng công việc rất nhỏ và là mức chậm nhất trong thời kỳ kéo dài 3 tháng hiện nay.
Số lượng lao động theo ghi nhận cũng đã giảm nhẹ trong tháng 3. Nhân viên nghỉ việc đã làm ảnh hưởng đến nỗ lực tăng lượng việc làm để đáp ứng nhu cầu công việc lớn hơn.
Nikkei cũng cho biết đến thời điểm này, áp lực lạm phát trong lĩnh vực sản xuất còn thấp. Chi phí đầu vào tăng nhẹ nhưng với tốc độ thấp hơn hẳn so với trung bình của lịch sử chỉ số. Nhờ vậy, các công ty có thể tiếp tục chiết khấu giá bán cho khách hàng.
Giá cả đầu ra đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp, mặc dù chỉ là giảm nhẹ. Các nhà sản xuất Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu sản lượng cao hơn bằng cách tăng mạnh hoạt động mua hàng, với tốc độ tăng là nhanh nhất trong năm tính đến thời điểm này.
Gần 50% số người trả lời khảo sát dự đoán sản lượng sẽ tăng trong năm tới. Mức độ lạc quan cao đã phản ánh kỳ vọng về sự cải thiện về nhu cầu của khách hàng và đầu tư vào mở rộng năng lực sản xuất. Những nhân tố này được dự báo sẽ giúp các công ty đáp ứng được các kế hoạch tăng sản lượng. Mức độ lạc quan là cao hơn tháng 2 và hầu như tương đương với mức trung bình của lịch sử chỉ số.