Giá thép và quặng sắt trên thị trường Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục mọi thời đại vào ngày 12/5/2021, được kích thích bởi kinh tế thế giới hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, nhất là kinh tế Trung Quốc; nguồn cung trên toàn cầu sụt giảm (trong trường hợp quặng sắt) và hoạt động mua đầu cơ tích trữ (trên thị trường Trung Quốc).
Tuy nhiên, sau thời điểm đó giá đã quay đầu giảm.
Giá thép thanh vằn – dùng trong xây dựng, và thép cuộn cán nóng - dùng trong sản xuất (hợp đồng giao dịch nhiều nhất trên sàn Thượng Hải, Trung Quốc) đã tăng lần lượt 14,5% và 17,5% trong 12 ngày đầu tháng 5/2021, sau đó giảm hơn 24% trong 2 tuần tiếp theo. Tính từ 12/5 đến nay, giá thép đã giảm khoảng 18%, mất đi toàn bộ mức tăng của 2 tháng vừa qua.
Phiên cuối cùng của tháng 5 (31/5), giá thép cây và thép cuộn cán nóng hồi phục sau khi giảm liên tiếp 2 tuần liền trước. theo đó, thép thanh kỳ hạn giao tháng 10 tăng 2,5% so với phiên trước, lên 5.027 CNY (789,96 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 1,3% lên 5.354 CNY/tấn; và thép không gỉ kỳ hạn tháng 7 tăng 2,7% lên 15.750 CNY/tấn.
Tuy nhiên, tính chung cả tháng 5, giá thép thanh vằn giảm 6,8%, còn thép cuộn cán nóng giảm 5,9%, chủ yếu bởi những chính sách của Chính phủ Trung Quốc cũng như bởi xu hướng thị trường.
Thông tin từ Trung tâm Thông tin Logistics Trung Quốc dự báo giá thép tại nước này trong tháng 6 sẽ chỉ dao động trong biên độ hẹp.
Trong khi giá thép lao dốc chóng mặt như vậy thì giá quặng sắt lại chỉ giảm vừa phải, gây áp lực chi phí cao lên các hãng sản xuất thép.
Giá thép Trung Quốc giảm từ giữa tháng 5 sau khi đạt kỷ lục cao
Phiên 31/5, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 (hợp đồng tham chiếu) trên sàn Đại Liên tăng 4,5% lên 1.106 CNY/tấn; giá quặng sắt 62% nhập khẩu tới cảng biển Trung Quốc tăng 1% lên 192,5 USD/tấn.
So sánh sẽ thấy, mặc dù giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 17% kể từ tháng 5/2021 đến nay, nhưng tính chung trong tháng 5 thì giá quặng sắt vẫn tăng 1,6%.
Do đó, biên lợi nhuận từ sản xuất thanh vằn ở miền Đông Trung Quốc từ chỗ đạt trên 1.000 CNY (157 USD)/tấn vào tháng 4/2021 đã giảm xuống chỉ còn 40 CNY/tấn trong tuần vừa qua, theo dữ liệu của CITIC Securities.
Tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các lò cao của 247 nhà máy thép trên khắp Trung Quốc đã tăng lên 91,41% trong tuần kết thúc vào 29/5, mức cao kỷ lục kể từ đầu tháng 3 năm nay, theo số liệu của công ty tư vấn Mysteel.
Đối với các nguyên liệu thép khác, giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên ngày 31/5 giảm 1,2% xuống 1.767 CNY/tấn, trong khi than cốc tăng 2,5% lên 2.479 CNY/tấn. Tính chung trong tháng 5, giá than luyện cốc tăng gần 10% (giá cuối tháng 4 là 1.610 CNY/tấn), trong khi giá than cốc giảm khoảng 3%, từ mức 2.552,5 CNY/tấn một tháng trước đó.
Thị trường thép biến động kể từ khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát, gây áp lực lên các nhà máy
Zhuo Guiqiu, nhà phân tích của công ty Jinrui Capital, cho biết một số nhà máy ở miền Đông Trung Quốc đang lỗ, trong khi các nhà sản xuất ở miền Bắc cũng đang gặp khó khăn. Ông không nêu tên nhà máy nào.
Công ty Hunan Valin Steel, trụ sở tại trung tâm tỉnh Hồ Nam, thứ Năm tuần trước (27/5) cho biết: "Giá thép giảm nhiều hơn so với giá quặng sắt. Hiện giá quặng sắt vẫn ở mức cao, dẫn tới áp lực tương đối lớn cho hoạt động của chúng tôi".
Một báo cáo từ Trung tâm Thông tin Logistics Trung Quốc cho biết giá thép biến động mạnh trong tháng này đã làm giảm nhu cầu từ phía người tiêu dùng cuối cùng.
Giá thép Trung Quốc giảm nhanh hơn giá nguyên liệu thép, làm giảm lợi nhuận của các nhà máy
Trong khi đó, nhu cầu thép xây dựng trong tháng 6 dự báo sẽ chậm lại do vào mùa mưa, trong khi ngành ô tô vẫn bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu.
Mấy tuần gần đây, một số khu vực miền Trung và Nam Trung Quốc đã xảy ra mưa với mức nước nhiều kỷ lục, mặc dù tổng thể lượng mưa từ đầu năm đến nay thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, 71 con sông đều đã có mức nước vượt mức cảnh báo, trong bối cảnh các cơ quan khí tượng cảnh báo tình trái đất toàn cầu nóng lên đang thúc đẩy những hiện tượng thời tiết cực đoan, thông tin từ Tân Hoa Xã đưa tin ngày 26/5. Không chỉ mưa, ở Trung Quốc còn đang xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, mưa đá…ở miền Nam và nhiệt độ nóng như thiêu đốt ở miền Bắc nước này. Tất cả những diễn biến thời tiết đó đều bất lợi cho hoạt động xây dựng, làm cho tiến độ xây dựng các công trình chậm lại, từ đó có thể khiến nhu cầu thép cây giảm trong những tháng tới, gây thêm áp lực giảm giá đến sắt thép.
Nguồn cung quặng sắt trên thế giới vẫn chưa đáp ứng đủ trong khi nhu cầu tăng mạnh.
Brazil đã xuất khẩu 25,75 triệu tấn quặng sắt trong tháng 4, giảm so với mức 27,54 triệu của tháng 3 và thấp hơn nhiều so với mức 34-35 triệu tấn mỗi tháng đạt được trong tháng 8 và tháng 9 năm ngoái. Nhà xuất khẩu hàng đầu Australia đã xuất khẩu 71,28 triệu tấn trong tháng 4, giảm so với mức 76,73 trong tháng 3 do một cơn lốc xoáy tấn công khu vực sản xuất chính ở bang Tây Australia.
Trong khi đó, nhập khẩu quặng sắt vào các thị trường đều tăng. Nhập khẩu quặng sắt vào trung Quốc 4 tháng đầu năm nay tăng 6,7% lên 381,98 triệu tấn. Sản lượng thép Trung Quốc tháng 4 cũng đạt kỷ lục cao, là 97,85 triệu tấn, tăng 4,1% so với tháng 3, khiến tổng sản lượng thép 4 tháng đầu năm tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 374,56 triệu tấn. Nhật Bản, nước mua quặng sắt lớn thứ hai ở châu Á, đã nhập khẩu 8,99 triệu tấn trong tháng 4, cao nhất kể từ tháng 9/2019. Hàn Quốc, nhà nhập khẩu lớn thứ ba ở châu Á, nhập khẩu 6,79 triệu tấn trong tháng 4, mức cao thứ 2 kể từ tháng 1/2020. Nhập khẩu quặng sắt của Châu Âu qua đường biển cũng tăng lên 8,71 triệu tấn trong tháng 4, cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái và đánh dấu tháng tăng thứ 3 liên tiếp.
Với những yếu tố cơ bản trên, dự báo ngành thép trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục khó khăn, nhất là ngành thép xây dựng.
Tham khảo: Refinitiv, Bloomberg