Bước ngoặt về sự thay đổi lớn về mặt cơ cấu là Trung Quốc – nước sản xuất và tiêu thụ khoảng một nửa thép không gỉ trên toàn cầu – vào tháng 12/2017 đã trở thành nhà nhập khẩu ròng trên quy mô lớn mặt hàng hàng thép không gỉ cuộn cán nóng, lần đầu tiên trong vòng hơn 7 năm, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Thép Quốc tế và tổ chức tư vấn CRU.
Điều này xảy ra sau khi hãng sản xuất thép không gỉ khổng lồ của Trung Quốc, Tsingshan, tháng 8/2017 bắt đầu sản xuất tại nhà máy đặt ở Indonesia. Công suất của nhà máy này ở thời điểm cuối năm 2018 dự kiến sẽ đạt 3 triệu tấn, tức là tương đương 6% tổng công suất thép không gỉ tấm phẳng trên toàn cầu (theo CRU).
Chưa dừng ở đó, đến năm 2019 hãng Delong Holdings của Trung Quốc cũng cũng sẽ bắt đầu cho đi vào hoạt động nhà máy thép không gỉ ở Indonesia.
"Dự kiến đến năm 2021, khi các nhà máy của Delong và Tsingshan hoạt động hết khả năng, công suất của Indonesia sẽ lên tới trên 5 triệu tấn, chiếm gần 10% công suất toàn cầu", nhà phân tích Michael Finch của CRU cho biết, và thêm rằng hãng Tsingshan là hãng có "chi phí sản xuất cực kỳ thấp nhờ các lợi thế là nguồn năng lượng đảm bảo và tự sản xuất được ferrochrome và quặng nickel- sắt, là những nguyên liệu chính trong sản xuất thép không gỉ".
Cũng theo CRU, hãng này bán hầu hết sản phẩm của mình tại thị trường Trung Quốc, nơi mà lượng tồn trữ thép không gỉ đã tăng 80% kể từ cuối tháng 12/2017 lên mức cao nhất trong vòng hơn 8 năm vào giữa tháng 8/2018. Giá thép không gỉ tại Trung Quốc từ giữa tháng 1/2018 tới nay tương đối vững ở mức khoảng 15.500 CNY/tấn.
Các nhà sản xuất thép không gỉ bên ngoài Trung Quốc đang vô cùng lo lắng.
Hãng Outokumpu của Phần Lan thông báo lợi nhuận trong quý 1/2018 đã giảm hơn một nửa do giá giảm, và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm hơn nữa trong quý này. Hãng Acerinox của Tây Ban Nha cũng thông báo doanh thu trong quý 1 năm nay giảm 40%. Các hãng khác cũng thông báo về "tác động tiêu cực" từ công suất sản xuất có chi phí rất rẻ ở Indonesia, trong bối cảnh các thị trường thép không gỉ châu Á đang ế ẩm, buộc nhiều hãng phải trông cậy vào các thị trường châu Âu và châu Phi.
Thị trường thép không gỉ suy yếu cũng gây lo ngại cho các nhà sản xuất nickel bởi 2/3 nhu cầu nickel trên toàn cầu đến từ các nhà máy thép không gỉ.
Giá nickel trên Sàn London (LME) đã tăng 27% trong năm 2017 khi sản lượng thép không gỉ toàn cầu tăng, và tiếp tục tăng 10% trong năm nay, hiện ở mức khoảng 14.000 USD/tấn.
Trong khi đó, giá thép không gỉ không tăng, do vậy các nhà máy, nhất là những nhà máy đang bị thu lỗ, buộc phải cắt giảm sản lượng.
ING cho hay nhiều nhà máy của Trung Quốc đã bị lỗ vì từ tháng 12 năm ngoái giá thép không gỉ đã giảm xuống thấp hơn cả giá nickel.
Tồn trữ nickel của sàn LME do đó đã xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2014, trong khi tồn trữ của sàn Thượng Hải thấp nhất kể từ tháng 11/2015/
Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc đưa tin rằng, để giảm tình trạng dư thừa, các nhà máy thép không gỉ nước này đang phải cắt giảm sản lượng bằng cách hoặc đóng cửa nghỉ để bảo dưỡng, hoặc chuyển từ sản xuất thép không gỉ sang thép cácbon.
Do dó, nhà phân tích Oliver Nugent của ING dự báo giá nickel sẽ xuống dưới 13.000 USD/tấn vào cuối năm nay. Điều này cũng có lý, bởi giá nickel đã tăng khoảng 25% từ tháng 12 năm ngoái tới nay, trong khi thép không gỉ vẫn không thay đổi.