Ngành trà bước vào cuộc đua mới

25/09/2024 07:59
Giữa lúc giá cà phê nguyên liệu tăng 2-2,5 lần trong 1 năm qua làm đội chi phí cho thức uống này thì giá trà nguyên liệu lại tương đối ổn định, giúp nhiều chuỗi trà sữa mở rộng quy mô

Chia sẻ tại một hội nghị về ngành kinh doanh ẩm thực (F&B) vừa diễn ra ở TP HCM, người sáng lập chuỗi trà sữa La Boong (thuộc Công ty TNHH La Boong Việt Nam) Vũ Việt Anh gây chú ý khi cho biết tốc độ tăng trưởng của chuỗi hiện đạt 30%/năm giữa bối cảnh ngành F&B đang gặp rất nhiều khó khăn và hơn 30.000 hàng quán phải đóng cửa chỉ trong 6 tháng đầu năm.

Từ cơn sốt trà đậm vị

Trước đây, La Boong đặt mục tiêu đạt mốc 100 cửa hàng vào cuối năm 2024 nhưng chỉ đến cuối tháng 8 vừa qua, chuỗi đã đạt được con số 121 cửa hàng trên toàn quốc. Một trong những lý do hỗ trợ cho sự phát triển này là nguyên liệu chính - trà ô long ổn định, không bị tăng "nóng" như cà phê. "Trà ô long thị trường chính là xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) nhưng năm nay thị trường này khó khăn nên các doanh nghiệp (DN) sản xuất trà chuyển hướng sang bán trong nước" - ông Việt Anh giải thích.

Đại diện La Boong cho biết trước đây, người Việt thường chuộng trà Thái Nguyên với đặc trưng "tiền chát hậu ngọt" nhưng giới trẻ ngày càng chuộng trà có hương thơm nhẹ nhàng, dễ chịu, thoang thoảng mùi thơm của trái cây, có vị chát dịu nhẹ, ngọt hậu. Do đó, La Boong chọn trà ô long tại vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng) để đáp ứng gu tiêu dùng mới và áp dụng mô hình kinh doanh tối ưu chi phí để có giá bình dân.

Ông Trần Nhật Vũ, Chủ tịch Công ty CP Phúc Tea Franchise, cho biết khởi đầu của chuỗi Phúc Tea chỉ là một xe đẩy vỉa hè vào năm 2017 với lượng nguyên liệu sử dụng ít ỏi thì nay mỗi tháng hệ thống tiêu thụ khoảng 5 tấn trà các loại, nguồn cũng từ Bảo Lộc.

Theo ông Vũ, trước đây, khi trà sữa mới thâm nhập thị trường Việt Nam thì hương vị nhẹ nhàng, công thức chủ yếu là "sữa", phần "trà " là thứ yếu. Tuy nhiên, hiện tại, thị trường đã phân tầng rõ rệt với nhiều gu tiêu dùng khác nhau. Trong đó, nổi bật là gu "đậm vị" với thành phần trà chiếm đến 70% công thức. "Nhiều người nói rằng giới trẻ ngày nay thích uống cà phê hơn trà nhưng thực ra giới trẻ uống trà khá nhiều, chỉ là cách thức thưởng thức không giống thế hệ trước. Họ không uống trà thuần túy mà thích sự kết hợp giữa trà với trái cây và các nguyên liệu khác để ra những hương vị mới" - ông Vũ nhận xét.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, sản phẩm trà tiêu dùng nội địa hiện nay chủ yếu là trà xanh và các sản phẩm sản xuất từ trà Shan Tuyết rừng. Mức tiêu dùng trà trong nước tăng dần từ 40.000 tấn vào năm 2018 lên khoảng 50.000 tấn năm 2023. Giá bán các sản phẩm trà trong nước cũng đang cao hơn rất nhiều so với giá xuất khẩu, bình quân khoảng 200.000 đồng/kg vào năm 2023. "Thị trường nội địa đã và đang mang lại thu nhập cao cho người làm trà , nhất là các loại trà chất lượng cao" - Hiệp hội Chè Việt Nam nhận xét.

Ngành trà bước vào cuộc đua mới - Ảnh 1

Trình diễn văn hóa thưởng thức trà tại một sự kiện gần đây ở TP HCM

Đẩy mạnh trà đặc sản

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2023, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu từ 125.000 - 140.000 tấn trà , mang về kim ngạch từ 220 - 240 triệu USD/năm. Một số DN phát triển được sản phẩm cao cấp với giá từ 15.000 USD đến trên 50.000 USD/tấn nhưng chiếm tỉ trọng thấp. Tuy nhiên, giá trà xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ đạt 1.700 - 1.800 USD/tấn do trà giá thấp chiếm tỉ trọng lớn. Cụ thể, có đến 90% trà hái bằng máy không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Còn theo cập nhật từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 8 tháng đầu năm, xuất khẩu trà ước đạt 92.280 tấn, với trị giá 162,01 triệu USD, tăng khoảng 30% về giá trị lẫn sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các thị trường truyền thống như Iran tăng đột biến 2.723,5% và Trung Quốc tăng 239,5%.

Ông Nguyễn Đăng Bền, nhà sáng lập thương hiệu Thạch Cổ Trà (thuộc Công ty CP Đầu tư IGV Group), thông tin doanh thu ngành trà Việt Nam chủ yếu đến từ nhóm trà xanh và hồng trà , là những thức trà có giá trị thấp nên doanh thu của ngành thấp và người sản xuất không có lợi nhuận cao. Ngoài ra, đa số trà Việt Nam hiện nay dùng phương pháp diệt men nên chỉ sử dụng được 3-6 tháng, sản phẩm sau khi mở bao bì bị giảm hương và vị. Do đó, ông đã chọn hướng đầu tư vào đặc sản trà cổ thụ trong rừng nguyên sinh và được chế biến trong vòng 5 giờ sau khi thu hoạch bằng phương pháp lên men giúp trà để càng lâu càng có giá trị. "Trung Quốc đã rất thành công với trà Phổ Nhĩ và thị trường trà đặc sản này của Trung Quốc có giá trị lên đến 35 tỉ USD/năm. Và đây là sản phẩm có tỉ trọng lợi nhuận cao hơn so với các dòng trà đặc sản khác vì không chỉ được mua sắm để sử dụng ngay mà còn được mua để sưu tầm, đầu tư bởi sản phẩm để càng lâu giá lại càng tăng" - doanh nhân này lý giải.

Nhà sáng lập thương hiệu Thạch Cổ Trà cũng tin rằng thị trường trà Việt Nam có thể đạt đến quy mô 3,5 tỉ USD/năm dựa vào dân số 100 triệu dân với nhiều tương đồng với thị trường Trung Quốc. Không chỉ tiêu dùng nội địa, trà đặc sản còn có thể xuất khẩu mang về ngoại tệ lớn. "Để làm được điều này cần bảo vệ, chăm sóc và bảo tồn những rừng trà cổ thụ nguyên sinh độc đáo của Việt Nam mà chỉ có 5 nước trên thế giới đang sở hữu là: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan" - ông Bền nói.

Ông Phạm Vũ Khánh, Chủ tịch Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (thương hiệu trà Shanam), thông tin diện tích trà cổ thụ của Việt Nam khoảng 20.000 ha, được xem là lớn nhất trên thế giới. Trà cổ thụ có giá trị kinh tế cao nhờ có nhiều dược tính quý, giá bán sản phẩm sau chế biến có thể từ 2,5 - 25 triệu đồng/kg và DN còn có chính sách bảo hành đến 10 năm cho một số dòng sản phẩm. Sau khi thành công tại thị trường phía Bắc, công ty ông đang "Nam tiến" và hướng vào phân khúc quà tặng cao cấp.

Không chỉ bán sản phẩm, các DN còn kết hợp với ngành du lịch để tạo điểm đến cho du khách, cải thiện sinh kế cho đồng bào vùng nguyên liệu trà Shan Tuyết độc đáo này.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xác định trà là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 với định hướng về diện tích khoảng 120.000 - 150.000 ha. Đối với diện tích trà Shan Tuyết cổ thụ tại các tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Kạn... tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo tồn nguồn gien, tổ chức sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm. 

Trà tăng trưởng cùng cà phê

Thực tế, trà không chỉ được tiêu thụ mạnh ở các chuỗi trà mà còn bán mạnh trong các chuỗi cà phê. Lãnh đạo một thương hiệu về chuỗi cà phê trong tốp 5 thị trường Việt Nam mới đây tiết lộ 60% đồ uống được bán ra từ trà , chỉ khoảng 30% là cà phê. Nguyên nhân, cà phê là thức uống vào buổi sáng, ít được chọn vào buổi chiều hoặc tối vì có thể gây mất ngủ. Trong khi đó, các thức uống từ trà có hàm lượng caffeine rất thấp và có thể uống vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.


Tin mới

Xanh SM đoạt giải nhất hạng mục Thương hiệu tiêu biểu trong lĩnh vực Dịch vụ vận chuyển nhờ chênh lệch chỉ 2.096 lượt bình chọn
7 giờ trước
Cách biệt không hề lớn cho thấy tính cạnh tranh gay gắt, trong cả hạng mục giải thưởng cũng như lĩnh vực thương mại có nhiều thương hiệu tham gia.
[Trên Ghế 23] Nữ chủ xe Mazda3 nhắm BMW X3 khi muốn mua xe gầm cao 2 tỷ: Nên hay không nên với tư vấn chuyên gia!
7 giờ trước
Nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh nhận định, BMW X3 là mẫu xe phù hợp với những nhu cầu của bạn Nguyễn Ngọc Trâm khi tìm mua một mẫu SUV giá 2 tỷ đồng.
“Thánh Gióng” Xanh SM chứng tỏ dáng dấp của ông lớn top đầu thị trường
6 giờ trước
Với những động thái rầm rộ thời gian gần đây của Xanh SM, từ việc ký kết với đối tác để cho thuê 5.000 ôtô điện VinFast, tới cú bắt tay thành lập chuỗi xưởng dịch vụ quy mô hàng đầu Việt Nam,… hãng taxi điện được coi là “Thánh Gióng” trong lĩnh vực gọi xe dịch vụ đang khẳng định vị thế của ông lớn trên thị trường.
Mẫu iPhone giá rẻ của Apple có thể khiến đối thủ Android điêu đứng
5 giờ trước
iPhone SE 4 được trang bị Apple Intelligence là đối thủ đáng gờm.
Xe ga tiết kiệm xăng nhất thị trường Việt cùng đại hạ giá: Thấp nhất chỉ còn 23 triệu đồng, có chiếc rẻ ngang Wave Alpha
5 giờ trước
Những mẫu xe ga tiết kiệm xăng, nhỏ gọn, thiết kế đẹp mắt... đang là một trong những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.

Bảng giá cập nhật trực tuyến

Thịt bò

BEEF

1.205.519.176 VNĐ / tấn

291.80 BRL / kg

2.10 %

+ 6.00

Thịt gà

CHICKEN

31.191.466 VNĐ / tấn

7.55 BRL / kg

0.00 %

- 0.00

» Xem tất cả giá Thực phẩm

Tin cùng chuyên mục

Doanh thu bán dòng iPhone mới ở Việt Nam tăng cao
23 giờ trước
Thời điểm trả iPhone đợt 2 đang đến gần, những đại lý ủy quyền của Apple nhận định sức mua vẫn rất lớn, đặc biệt với bản iPhone 16 Promax.
Xuất khẩu thủy sản lo vỡ kế hoạch
23 giờ trước
Dịch bệnh, thiên tai khiến ngành xuất khẩu thủy sản đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu.
Tiktoker triệu follow bán hàng lậu, người tiêu dùng hoang mang
1 ngày trước
Vụ "sờ gáy" kho hàng kênh hot Tiktok Phan Thủy Tiên và phát hiện hơn một vạn sản phẩm nghi vi phạm, khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang.
Phê La 'pha lâu' nhưng vẫn 'hot' nhất thị trường trà sữa: Lượng thảo luận tăng gần 75% nhờ kéo được khách đi xếp hàng lúc 4h sáng
1 ngày trước
Chỉ trong 9 ngày, việc một cơ sở của Phê La mở từ 4h sáng với đông đảo khách xếp hàng chờ mua nước đã thu hút hơn 4.000 thảo luận. Dù có những ý kiến trái chiều về trend này, cũng như tốc độ pha đồ uống của Phê La, không thể phủ nhận "nghệ thuật marketing" của thương hiệu.