Giá xi măng tăng lần thứ hai trong năm
CTCP Xi măng Bỉm Sơn cho biết tình hình thị trường vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng chưa có dấu hiệu giảm vì từ ngày 27/4, giá than thế giới tiếp tục tăng cao đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất clinker, xi măng. Căn cứ vào tình hình thực tế thị trường, Bỉm Sơn đã có thông báo điều chỉnh giá bán loại bao, rời tăng 70.000 đồng/tấn. Giá xuất khẩu xi măng và clinker cũng tăng 95.000 đồng/tấn. Thời gian có hiệu lực bắt đầu từ ngày 10/5.
Ban kinh doanh nội địa thuộc Tập đoàn Xi măng The Vissai đã có tờ trình xin chủ trương tăng giá đối với các sản phẩm bao và rời thêm 80.000 đồng/tấn từ ngày 10/5 để đảm bảo sản xuất, duy trì chất lượng sản phẩm. Trong đợt tăng giá gần đây nhất vào cuối tháng 3 năm nay, Vissai tăng 100.000 đồng/tấn.
Giá xi măng tăng từ ngày 10/5.
Bộ Xây dựng cho biết do ảnh hưởng của việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nên trong quý I, giá mặt hàng này tăng 1-3% so với quý IV/2021 và tăng 11-15% so với cùng kỳ năm 2021. Bộ Xây dựng dự báo thời gian tới các loại vật liệu xây dựng trong đó có xi măng, còn tiếp tục tăng.
Theo khảo sát của phóng viên Người Đồng Hành, giá của thương hiệu Hà Tiên, Sao Mai tại TP HCM đang được bán ra với giá quanh 105.000 đồng/bao/50 kg, còn loại Thăng Long là 95.000 đồng/bao/50 kg.
Trước đó, ngày 20/3, giá xi măng đồng loạt tăng 100.000 - 150.000 đồng/tấn. Các công ty như Xuân Thành, Vissai Ninh Bình, Tân Thắng, Công Thanh… có mức điều chỉnh tăng 100.000 đồng/tấn. Riêng Công ty Thành Thắng Group gửi thông báo cho các nhà phân phối về việc điều chỉnh tăng giá bán các loại bao và rời tăng thêm 150.000 đồng/tấn. Nguyên nhân được đưa ra là do hiện nay giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt giá xăng dầu và than đá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá thành sản xuất tăng cao.
Ngành xi măng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu đầu vào và chi phí tăng cao
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35-40% giá thành sản xuất xi măng. Trong đó, 66% lượng than phải nhập khẩu, do đó giá thành sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế.
Theo VNCA, thời tiết mưa ẩm tại vùng Đông Bắc Australia, nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng cao sau đại dịch và cuộc xung đột Nga - Ukraine là các nguyên nhân chính khiến giá than nhiệt toàn cầu tăng mạnh kể từ quý III/2021.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây cũng đã thông báo nhiều nhà máy nhiệt điện đã phải dừng hoặc giảm phát vì thiếu than (thiếu 1,4 triệu tấn so với hợp đồng đã ký trong quý I), gây ra rủi ro thiếu điện trong quý II/2022. Các chuyên gia của VNDirect nhận định nhiệt điện sẽ được ưu tiên hàng đầu trong việc huy động than, do đó các nhà máy xi măng tại Việt Nam có thể sẽ gặp tình trạng thiếu than sản xuất trong thời gian tới.
Tiêu thụ than của các ngành công nghiệp trong năm 2020. |
Báo cáo của VNDirect chỉ ra rằng xi măng cũng là ngành sản xuất thâm dụng điện năng, chi phí điện chiếm tới 15-20% giá thành thành phẩm. Mặc dù EVN đã cam kết không tăng giá điện trong năm 2022, các chuyên gia của VNDirect cho rằng chi phí sản xuất điện của các doanh nghiệp vẫn sẽ tăng trong năm nay khi các gói hỗ trợ giảm giá điện của chính phủ trong năm 2021 kết thúc.
Ngành vẫn còn nhiều điểm sáng
Theo VNDirect, tuy chi phí đầu vào tăng cao nhưng ngành vẫn còn nhiều điểm tích cực.
Thứ nhất, bất động sản sôi động là động lực tăng trưởng chính cho nhu cầu xi măng nội địa năm 2022. Nguồn cung căn hộ mới tại cả Hà Nội và TP HCM đều đã chạm đáy vào năm 2021 và sẽ hồi phục lần lượt 40-60% so với cùng kỳ 2021. Lý do hồi phục là các nút thắt pháp lý trong cấp phép đầu tư dự án mới được nới lỏng và dịch bệnh được kiểm soát tốt giúp hoạt động xây dựng không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ hồi phục nhanh trong thời gian tới nhờ thị trường du lịch Việt Nam.
Các chuyên gia của VNDirect tin rằng giải ngân vốn đầu tư công năm nay sẽ tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021 nhờ một số yếu tố như nguồn vốn bổ sung phát triển kết cấu hạ tầng từ gói kích thích kinh tế mới được thông qua; nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới; nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã hoàn thành công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính vào năm sau... Chính phủ cũng cho biết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn trong năm 2022 như Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam.
Do đó, VNDirect kỳ vọng kỳ vọng nhu cầu xi măng nội địa năm nay sẽ phục hồi và sản lượng tiêu thụ cao hơn mức trước dịch, đạt lần lượt 66,5 triệu tấn trong năm 2022, tăng 6% so với 2021.
Thứ hai, thị trường xuất khẩu là “phao cứu sinh” giải quyết tình trạng dư cung ngành giai đoạn 2017-2021. VNDirect chỉ ra rằng nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và thiếu điện sản xuất, Chính phủ Trung Quốc đã buộc nhiều nhà máy phải dừng sản xuất từ năm 2017. Kết quả, Trung Quốc từ nước xuất khẩu clinker số một thế giới trong năm 2016, đến cuối năm 2017 lại trở thành nước nhập khẩu. Hưởng lợi từ xu hướng trên, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đã liên tục tăng đạt 45,7 triệu tấn trong năm 2021, tăng 20,2% so với 2020 và gấp 3 lần so với năm 2016.
Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của xi măng Việt Nam ở cả sản lượng (24,6 triệu tấn, chiếm 54% tổng sản lượng xuất khẩu) và giá trị (918 triệu USD, tương đương 52%) trong năm 2021. Việc đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm kích thích nền kinh tế sau dịch bệnh đã giúp nhu cầu xi măng và clinker tại quốc gia tỷ dân tăng cao trong năm vừa qua.
Trước áp lực dư cung lớn, xuất khẩu là kênh tiêu thụ quan trọng giúp ngành xi măng Việt Nam giảm áp lực hàng tồn kho và cạnh tranh trong thị trường nội địa.