Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online, cùng ngày, ngành y tế TP.HCM đã có báo cáo giải trình về nhiều vấn đề mà Thanh tra Chính phủ đặt ra, trong đó có nội dung về một số gói thầu có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán cao bất thường ở một số gói thầu của Sở Y tế TP.HCM .
Báo cáo giải trình thể hiện các sản phẩm mà Sở Y tế TP.HCM mua vào có giá thấp hơn giá bán ở các thời điểm trước và sau dịch được công khai trên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.
Điều này trùng hợp với khẳng định của ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM : "Chúng tôi khẳng định giá mua trang thiết bị, vật tư trong thời gian trước dịch, trong dịch và sau dịch của các đơn vị và Sở Y tế TP.HCM là giá rẻ".
Rẻ hơn như thế nào?
Báo cáo giải trình thể hiện các sản phẩm mà Sở Y tế TP.HCM mua vào có giá thấp hơn giá bán ở các thời điểm trước và sau dịch được công khai trên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế - Ảnh: Đ.H.
Dẫn giải việc mua "giá rẻ" so với mọi thời điểm, báo cáo giải trình của Sở Y tế TP.HCM đưa ra 4 gói thầu của các công ty được cho là đảm bảo "tư cách nhà thầu" theo quy định của Bộ Y tế.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, các gói thầu này có điểm chung là giá nhập rẻ hơn so với giá trúng thầu; nhưng giá trúng thầu tại Sở Y tế TP.HCM (chưa tính VAT) lại thấp hơn nhiều so với giá trúng thầu được công bố công khai trên trang thông tin điện tử Bộ Y tế (một trong các yếu tố để tham chiếu, xây dựng khung giá thầu).
Đơn cử gói thầu trang thiết bị do Công ty TNHH thương mại và công nghệ kỹ thuật TNT trúng thầu (đơn vị nhập khẩu là Công ty TNHH Philips Việt Nam). Máy theo dõi bệnh nhân ≥ 5 thông số có giá trúng thầu là trên 71 triệu đồng, trong khi giá nhập khẩu chỉ trên 41 triệu đồng (chênh trên 30 triệu đồng).
Nhưng khi đối chiếu với giá trúng thầu (giá của các cơ sở y tế mua trước đó), công bố trên trang thông tin điện tử Bộ Y tế, máy này có giá dao động 116-129 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với giá trúng thầu tại Sở Y tế TP.HCM.
Tương tự, máy phá dung tim có tạo nhịp giá trúng thầu trên 159 triệu đồng, trong khi giá nhập khẩu chỉ trên 127 triệu đồng (chênh trên 32 triệu đồng). Khi đối chiếu với giá trúng thầu trên cổng thông tin từ Bộ Y tế máy lại có giá khá cao, 201-248 triệu đồng.
Máy X-quang di động DR giá trúng thầu trên 2,6 tỉ đồng, trong khi giá nhập khẩu chỉ trên 1,6 tỉ đồng (chênh trên 1 tỉ đồng). Khi đối chiếu với giá trúng thầu trên cổng thông tin từ Bộ Y tế có giá rất cao, 3,2 - 3,4 tỉ đồng (mua sắm trong dịch); 3,8 - 4 tỉ đồng (mua sắm trước dịch).
Một sản phẩm máy X-quang di động DR do một đơn vị khác trúng thầu là Công ty TNHH VT và TTBYT Hà Thành (Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Khoa nhập khẩu) có giá trên 2,6 tỉ đồng, trong khi giá nhập chỉ trên 1,8 tỉ đồng (chênh trên 800 triệu đồng).
Tuy nhiên, cùng loại máy này giá trúng thầu tại một bệnh viện tuyến trung ương tại miền Tây công bố trên trang thông tin của Bộ Y tế ngày 4-3-2020 (thời điểm trước dịch) trên 3,2 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với giá bán của Công ty Hà Thành cho Sở Y tế.
Ngoài sản phẩm này, Công ty Hà Thành còn trúng nhiều gói thầu về máy chạy thận nhân tạo, máy lọc máu liên tục, máy đo khí máu và máy truyền dịch… do nhiều đơn vị nhập khẩu. Nhìn chung giá trúng thầu và giá nhập có sự chênh lệch 1,43-1,47%. Nhưng lại thấp hơn nhiều so với giá được công bố trên trang thông tin điện tử Bộ Y tế.
Hay điển hình gói cung cấp bộ đèn đặt nội khí quản có camera, giá Công ty TNHH Quốc tế Việt Nam Ấn Độ nhập khẩu và cung cấp cho Sở Y tế TP.HCM 90 triệu đồng/bộ (4 lưỡi). Cùng sản phẩm này nhưng khi đối chiếu với 8 cơ sở y tế khác trong nước mua ở thời điểm trước, trong dịch hầu hết đều có giá cao hơn (dao động 93-99 triệu đồng/bộ, chỉ 3 lưỡi).
Phía công ty nhập và trúng thầu khẳng định giá bán như trên "hợp lý" trên cơ sở xác định đầy đủ các chi phí cho việc mua bán thiết bị, đồng thời đây là giá bán thấp nhất so với các đơn vị khác trước, trong và sau dịch.
Đơn vị mua, nhà thầu không thể tiếp nhận giá nhập
Xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: T.T.
Báo cáo giải trình này thể hiện khi thực hiện các gói thầu, các đơn vị mua sắm đã xây dựng giá kế hoạch và tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật đấu thầu (như Luật đấu thầu, nghị định 63/2014/NĐ-CP, thông tư 58/2016/TT-BYT, thông tư 15/2019/TT-BYT, thông tư 14/2020/TT-BYT…).
Ngoài ra, áp dụng các quy định khác có liên quan như giá kế hoạch, giá trúng thầu là giá thấp nhất trong các báo giá tại thời điểm mua sắm và không cao hơn giá công bố trúng thầu của Bộ Y tế trong vòng 12 tháng.
Báo cáo cho rằng pháp luật hiện hành chưa quy định tỉ lệ tối đa cho phép giữa giá bán so với giá nhập khẩu; giá bán so với giá mua vào trong nước và cũng không bắt buộc nhà thầu phải cung cấp giá nhập khẩu của hàng hóa.
Trong khi đó, các đơn vị mua sắm và nhà thầu (không phải là nhập khẩu) cũng không thể tiếp cận được thông tin về giá nhập khẩu, do đó không thể biết được chênh lệch giữa giá bán và giá nhập khẩu của hàng hóa.
"Nhà thầu cũng đã tích cực tìm kiếm nguồn hàng, giữ nguồn hàng và cung cấp hàng hóa trong điều kiện dịch bệnh. Chi phí trong chuỗi cung ứng từ khâu nhập khẩu đến khâu giao hàng trong giai đoạn này cũng tăng lên rất nhiều so với điều kiện thông thường nhưng giá bán không cao hơn (thậm chí còn thấp hơn) so với giá bán trước khi có dịch" - báo cáo phân tích.
Ngày 23-12, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị , vật tư y tế , sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.
Cơ quan thanh tra đã chuyển nhiều hồ sơ, vụ việc mua sắm vật tư y tế, trang phục phòng chống dịch ở TP.HCM sang Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định.
Kết luận cho thấy tổng số tiền chênh lệch của thiết bị và gói thầu có dấu hiệu nâng giá do Sở Y tế TP.HCM cùng bốn bệnh viện làm chủ đầu tư lên đến gần 80 tỉ đồng.
Ngoài ra, kết luận còn nêu có hai gói thầu mua khẩu trang y tế, trang phục phục vụ công tác phòng chống dịch do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM làm chủ đầu tư đã xác định giá gói thầu trái với quy định, vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại số tiền hơn 6 tỉ đồng.