Tham gia trả lời chất vấn tại Quốc hội về vấn đề ngập lụt sau mưa lớn tại các đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ ra một số nguyên nhân như: Tác động của tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, khả năng tiêu thoát nước giảm xuống; công tác quy hoạch chưa đáp ứng được dự báo cũng như đáp ứng các yêu cầu để phòng, chống ngập úng đô thị.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện quy hoạch và do công tác lập, thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch cũng chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức của người dân còn chưa cao, việc xả rác thải vẫn còn diễn ra... dẫn đến là cản trở dòng chảy thoát nước.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng đưa ra các giải pháp, thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải, trong đó có tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn; Luật Cấp thoát nước, Luật Quản lý phát triển đô thị và những hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức có liên quan đến xử lý nước thải.
Thứ hai, nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Thứ ba, tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị để đảm bảo công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị.
Giải pháp thứ tư, tiếp tục rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương để triển khai các quy hoạch cũng như các quy định pháp luật trong công tác xử lý nước thải, thoát nước thải đô thị.
Về nguyên nhân gây ngập lụt sau mưa lớn, các chuyên gia quy hoạch cho biết công tác quy hoạch thoát nước đô thị chất lượng còn hạn chế chưa gắn kết với tổ chức không gian cũng như quy hoạch sử dụng đất đô thị, lại chậm điều chỉnh, thiếu liên kết vùng, liên kết với hệ thống thủy lợi. Công tác dự báo thiếu chính xác, chưa lường hết được tác động của biến đổi khí hậu.
Các giải pháp quy hoạch thoát nước và chống ngập chậm đổi mới, tiếp cận xu hướng mới trong thoát nước đô thị quá chậm (thoát nước bền vững, thoát nước dựa vào hệ sinh thái hay điều kiện tự nhiên..). Nhiều thông số, chỉ tiêu tính toán thiết kế quy hoạch đã không còn phù hợp chậm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung.
Nhiều chuyên gia cũng cho biết các đô thị lớn cần triển khai các giải pháp, công nghệ nhằm đẩy mạnh việc tiêu thoát nước. Từ các giải pháp đối với vấn đề tiêu thoát nước trong nhà ra phố, từ phố ra các trục tiêu chính, từ trục tiêu chính ra sông hay ra các hồ, khu chậm ngập úng…; tăng cường sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, ngành, lĩnh vực liên quan.
Cụ thể, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thuộc lĩnh vực thủy lợi (là cơ quan chuyên sâu về kỹ thuật và quản lý vấn đề tiêu úng, thủy động lực học dòng chảy sông, biển) với các cơ quan thuộc lĩnh vực xây dựng (là các cơ quan chuyên sâu về kỹ thuật và quản lý xây dựng, thoát nước đô thị).
Các địa phương đẩy mạnh truyền thông, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với người dân trong việc bảo đảm hệ thống tiêu thoát nước; xử lý nghiêm các hiện tượng như: lấn chiếm kênh, rạch, ao hồ, miệng cống thoát nước,...