Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , trong tháng 5, Việt Nam đã nhập khẩu trên 1,54 triệu tấn sắt thép , tương đương gần 1,3 triệu USD, giá trung bình 730 USD/tấn, tăng 20,6% về lượng và tăng 34,1% về kim ngạch so với tháng 4/2024.
Tính chung 5 tháng đầu năm, đã có 6,9 triệu tấn sắt thép nhập khẩu về Việt Nam, trị giá hơn 5 tỷ USD, giá trung bình đạt 724 USD/tấn, tăng mạnh 50,1% về lượng và tăng 27,6% kim ngạch nhưng giảm 15,1% về giá so với 5 tháng đầu năm 2023.
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất trong 5 tháng qua có xuất xứ từ Trung Quốc, với 4,77 triệu tấn, tương đương hơn 3 tỷ USD, tăng 91% về lượng và tăng 62% kim ngạch so với 5 tháng đầu năm 2023; chiếm 69% trong tổng lượng và chiếm 61% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Giá nhập khẩu bình quân 5T/2024 đạt 641 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tháng 5, Trung Quốc đã xuất sang nước ta hơn 1,1 triệu tấn, tương đương 702 triệu USD, tăng 154% về lượng và tăng 105% về kim ngạch so với tháng 5/2023. Đây cũng là tháng có mức sản lượng cao nhất từ đầu năm 2023.
Theo một số chuyên gia, nguồn cung trong nước (thép cán nóng - HRC) chưa đáp ứng đủ cầu nên buộc Việt Nam phải tăng nhập khẩu . Trong khi đó, do thị trường xây dựng trong nước khó khăn, Trung Quốc - “cường quốc” sản xuất thép có chính sách đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách hỗ trợ giá, thuế.
Làn sóng thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam khiến các doanh nghiệp lo lắng, nhất là khi thị trường trong nước đang manh nha những dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng bởi sự suy thoái của bất động sản.
Để ngăn chặn tình trạng thép ồ ạt chảy vào Việt Nam gây ảnh hưởng đến thép nội, ngày 14/6, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ngoài ra, cũng trong ngày 14/6, Bộ Công Thương cũng ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Trước đó, trong ngày 19/3/2024, Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) tiếp nhận hồ sơ của các công ty là đại diện cho ngành sản xuất trong nước (Bên yêu cầu) - bao gồm Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh , yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Không chỉ Việt Nam xem xét điều tra, Thái Lan cũng đang điều tra, xem xét mở rộng các biện pháp chống bán phá giá mới với thép cán nóng Trung Quốc do thép nhập khẩu giá rẻ tràn ngập khiến doanh nghiệp thép xứ sở chùa vàng chỉ sản xuất được 30% công suất, thấp hơn mức trung bình 58% của Đông Nam Á.