Các doanh nghiệp Mỹ hiện đang nắm giữ hàng tỷ USD tiền mặt. Các ngân hàng của họ hiện không chắc chắn sẽ phải làm gì với chỗ tiền đó.
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm ngoái, nhiều nhà điều hành doanh nghiệp đã chạy đua huy động tiền. Từ đó đến nay, các ngân hàng Mỹ vẫn giữ số tiền đó và bởi các doanh nghiệp khác ngại vay tiền đầu tư trong khủng hoảng nên các ngân hàng vẫn giữ tiền và không thể biến chúng thành các khoản vay sinh lời.
Thực tế này không khỏi ảnh hưởng đến lợi nhuận biên của các ngân hàng, nhiều ngân hàng Mỹ đã bắt đầu khuyên doanh nghiệp nên dành tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh hoặc chuyển tiền đi ngân hàng khác.
Ban đầu, các ngân hàng từng tin rằng bối cảnh kinh tế cải thiện sẽ làm giảm đi động lực để doanh nghiệp nắm giữ tiền mặt, tuy nhiên dòng tiền gửi vẫn tiếp tục cao hơn trong những tuần gần đây.
Giám đốc tài chính các doanh nghiệp, trong tâm lý vẫn vô cùng sợ hãi về tác động của đại dịch Covid-19, cho biết họ không muốn thay đổi kể cả nếu họ kiếm được rất ít hoặc không kiếm được gì từ khoản tiền đang gửi.
Giám đốc tài chính công ty viễn thông Verizon Communications, ông Matthew Ellis, cho biết: “Chúng tôi đã hoạt động với cân đối tiền mặt dồi dào hơn trong 12 tháng qua. Cho đến nay, chưa có quyết định nào được đưa ra liên quan đến việc khi nào sẽ giảm dự trữ tiền mặt”. Verizon hiện đang nắm 10,2 tỷ USD tiền mặt và tương đương tiền, tăng đến 45% so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc tài chính công ty đối thủ của Verizon là AT&T – ông Pascal Desroches trong khi đó cho biết rằng công ty không có ý định chuyển dự trữ tiền mặt thành các loại hình đầu tư khác nhằm kiếm được lợi nhuận cao hơn: “Chúng tôi không muốn tối ưu hóa lợi nhuận”.
Ở thời điểm đầu đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã đua nhau gửi tiền vào ngân hàng. Tháng 3/2020, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất xuống mức gần 0% và đồng thời tung ra chương trình mua trái phiếu, nhờ vậy tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể vay tiền với chi phí thấp. Bộ Tài chính Mỹ đồng thời cũng cấp nhiều khoản vay cho các đối tượng doanh nghiệp, trong đó có các hãng hàng không.
Tiền các doanh nghiệp Mỹ gửi vào ngân hàng tiếp tục tăng vọt trong năm nay. Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3/2021 đến ngày 26/5/2021, tổng tiền gửi của doanh nghiệp Mỹ vào ngân hàng tăng thêm 411 tỷ USD lên 17,09 nghìn tỷ USD, theo số liệu của Fed. Tốc độ tiền gửi vào ngân hàng như vậy chậm hơn so với mùa xuân năm trước, nhưng vẫn gấp 4 lần so với mức trung bình của 20 năm gần đây.
Tỷ lệ tiền gửi cao không phải điều xấu với các ngân hàng bởi ngân hàng có thể sử dụng vốn đó để cho vay ra. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng của các ngân hàng chững lại bởi nhiều công ty muốn vay tiền từ nhà đầu tư hơn. Đối với ngân hàng, tổng tiền cho vay ra chiếm tương đương 61% tiền gửi tính đến ngày 26/5/2021, giảm so với tỷ lệ 75% vào tháng 2/2020, theo số liệu của Fed.
Lợi nhuận biên từ lãi suất, chỉ báo chủ chốt của hoạt động cho vay, giảm xuống mức thấp kỷ lục trong quý 1/2021, theo Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).
Giờ đây, các ngân hàng Mỹ đang vô cùng lo lắng về quy định buộc họ phải nắm giữ vốn tương đương với 3% tổng tài sản. Lo lắng về tác động của quy định này trong đại dịch, Fed đã thay đổi nó trong năm 2020, lờ đi lượng tiền gửi mà ngân hàng phải duy trì tại ngân hàng trung ương, tuy nhiên, chính sách này đã chấm dứt vào tháng 3/2021. Từ đó đến nay, không ít ngân hàng đã cảnh báo rằng việc tiền gửi tăng cao sẽ có thể buộc họ phải huy động thêm vốn, hoặc phải ngừng chấp nhận tiền gửi.
“Việc huy động thêm vốn để tương xứng với tiền gửi hoặc từ chối tiền gửi không phải những hành động mà các ngân hàng nên làm và cũng không tốt cho hệ thống trong dài hạn”, giám đốc tài chính của JP Morgan Chase từng nói với giới phân tích vào tháng 4/2021.