Để đảm bảo giao thông an toàn sau khi đưa các nhánh ram vào khai thác, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long phối hợp với đơn vị chức năng thành phố Hà Nội xây dựng phương án tổ chức giao thông; chỉ đạo nhà thầu vận hành và duy trì hệ thống chiếu sáng ban đêm liên tục sau thời điểm thông xe.
"Thời điểm trước và sau khi tổ chức thông xe, phải thường xuyên rà soát kiểm tra hiện trường để đánh giá tình hình lưu thông trên tuyến. Trường hợp sau khi thông xe (trước khi bàn giao công trình) xảy ra ùn tắc và có nguy cơ mất an toàn giap thông, Ban Quản lý dự án Thăng Long xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng phương án hạn chế tốc độ, lưu thông hạn chế hoặc tạm ngừng lưu thông qua cầu nhánh cho đến khi khắc phục xong", Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.
Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự Thăng Long, ngay sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải, đơn vị này đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông và Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp để xây dựng phương án phân luồng, tổ chức giao thông thuận lợi sau khi đưa công trình vào khai thác.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp triển khai công tác tiếp nhận, quản lý khai thác các hạng mục công trình đã được chấp thuận kết quả nghiệm thu, trong đó ưu tiên tiếp nhận để vận hành ngay hệ thống chiếu sáng ban đêm và vệ sinh mặt cầu.
Hạng mục 6 nhánh kết nối lên, xuống đường Vành đai 3 trên cao được khởi công từ tháng 10/2020 tại khu vực: Hoàng Quốc Việt dài 247m; khu vực Cổ Nhuế dài 330m và khu vực Nam Thăng Long dài 222m.
Mỗi nút giao này sẽ được tiến hành xây dựng 2 ram lối lên và lối xuống, gồm một làn ô tô và một làn khẩn cấp.
Theo thiết kế ban đầu, dự án chỉ đầu tư cầu cạn từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long, không xây dựng các nhánh lên, xuống tuyến đường.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, dự án còn dư vốn nên Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt bổ sung 6 ram với kinh phí đầu tư hơn 200 tỷ đồng.