Qua 2 tuần mở cửa bán mang về, quán ăn của bà Thu (TPHCM) giảm 70% doanh thu so với trước dịch. Chủ tiệm phở phải cho nhân viên nghỉ hết vì lo cuối tháng không đủ tiền trả lương và mặt bằng.
Nghĩ đến tiền mặt bằng là... mất ngủ
Hơn 10 năm mở quán bún, phở trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú, TPHCM), chưa khi nào quán của bà Nguyễn Hoài Thu (59 tuổi) lại ế ẩm như bây giờ.
Nhiều quán ăn "than trời" vì vắng khách mua mang về. |
Quán từng có 8 nhân viên nhưng bà đã cho nghỉ 6 người. Hai người còn lại làm ca để phụ dọn dẹp quán.
"Trước đây người ta mua về cũng nhiều, giờ không hiểu sao lại vắng đến thế. Có thể họ nấu ăn ở nhà cho an toàn, tiết kiệm. Có ngày ngồi từ sáng sớm đến 23h, tôi mới dọn hàng nhưng chỉ bán được 30 tô", bà Thu than thở.
Chủ quán cho biết, dịch bùng phát khiến quán phở phải nghỉ hơn 3 tháng. Bà vẫn duy trì đủ lương để hỗ trợ nhân viên và trả tiền thuê nhà 30 triệu đồng/tháng. Bà đã tiêu hết số tiền tiết kiệm.
Bà Thu thở dài vì sắp tới hạn hứa đóng tiền nhà cho 3 tháng cuối năm.
"Đóng tiền nhà một lần 3 tháng gần cả trăm triệu. Đầu tháng rồi tôi xin hoãn đến cuối tháng vì lúc đó hết tiền. Hy vọng quán mở lại làm ăn được mà khách vắng thế này tôi không biết xoay xở sao, bạc hết cả đầu, cứ nghĩ đến là mất ngủ", chủ quán 59 tuổi chia sẻ.
Anh Nghị cho nhân viên nghỉ hết và kêu người nhà ra phụ giúp để tiết kiệm chi phí. |
Đồng cảnh, việc kinh doanh của anh Nguyễn Thanh Nghị (45 tuổi, chủ quán ăn gia đình tại quận Tân Bình) cũng thê thảm không kém. Anh Nghị kể đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ bán và kêu người nhà ra phụ giúp để tiết kiệm chi phí.
"Lượng khách giảm sâu, chưa bằng một nửa so với trước dịch. Mình cũng nghĩ sẽ vắng khách nhưng không ngờ lại vắng lâu đến vậy. Tôi vẫn trụ nổi vì không tốn tiền thuê mặt bằng, nếu phải trả tiền thuê mặt bằng chắc dẹp quán luôn", anh Nghị nói.
Là trụ cột trong gia đình có cha mẹ già, vợ và 2 con nhỏ, thu nhập giảm sút khiến gia đình anh cũng khó khăn hơn. Mọi chi tiêu đều phải giảm bớt và tiết kiệm hơn 50% so với trước dịch.
Lượng khách mỗi ngày tại quán ăn của anh Nguyễn Nhất Nam (48 tuổi) đã giảm hơn 50% so với trước dịch. |
Chấp nhận lời ít để an toàn nhưng khó lâu dài
Đầu tháng 10, khi bắt đầu mở bán mang về, quán ăn của anh Nguyễn Nhất Nam (48 tuổi, ngụ đường Tô Hiến Thành, quận 10) khá đông khách. Vui mừng chưa bao lâu thì lượng khách liên tục "tuột dốc" khiến anh lúc nào cũng "như người mất hồn".
Toàn bộ thu nhập của quán anh Nam dùng để trang trải chi phí mặt bằng 25 triệu/tháng và lo cho 4 nhân viên đang "3 tại chỗ".
"Cứ cách 3 ngày/lần, toàn bộ nhân viên trong quán sẽ test nhanh Covid-19, chi phí do tôi bỏ tiền túi. Khi nhân viên thực hiện "3 tại chỗ", tôi cũng lo chỗ ăn, chỗ ở và hỗ trợ thêm mỗi người 2 triệu đồng trang trải cuộc sống", anh kể.
Là nhân viên phục vụ tại quán anh Nam, Trần Minh Nhiên (18 tuổi) cho biết: "Từ năm 13 tuổi đã đi phụ quán để hỗ trợ mẹ, dù sợ dịch em vẫn đi làm vì ở nhà hai mẹ con không có tiền ăn. Em chỉ mong dịch bệnh qua đi, quán em buôn bán được như xưa để em có lương, có thưởng mang về phụ giúp mẹ". |
Với doanh thu bấp bênh những ngày gần đây, anh Nam cho biết sẽ rất khó để duy trì lâu dài. Tuy vậy, chủ quán bảo sẽ gắng làm tất cả để "cầm cự" và giữ an toàn cho nhân viên.
"Khi được bán tại chỗ, nếu được phép phục vụ trên 50% công suất tôi chấp nhận cho khách ngồi lại để có doanh thu cao hơn. Còn nếu giới hạn công suất thấp hơn mức đó, tôi thà lời ít một chút, chỉ bán mang về để đảm bảo an toàn cho mình và nhân viên", anh Nam chia sẻ.
(Theo Dân Trí)