Hàng trăm nghìn người Mỹ đến Paris trong mùa cao điểm du lịch năm nay sẽ gặp phải một cú sốc: những người bồi bàn, người bán hàng rong và tài xế taxi, thậm chí là bất kỳ ai mà họ gặp trên đường, đều có thể trò chuyện với họ bằng thứ tiếng Anh trôi chảy, tiện lợi và đôi lúc là gần như hoàn hảo.
Không chỉ ở Pháp. Trong những năm gần đây, số lượng người châu Âu biết nói và nói khá tốt tiếng Anh đã tăng lên nhanh chóng. Chỉ số EF English Proficiency Index đo lường mức độ sử dụng tiếng Anh thành thạo đã tăng trưởng liên tiếp kể từ khi ra đời năm 2011. Trong số 27 nước được xếp hạng mức độ thành thạo cao hoặc rất cao, có tới 22 nước châu Âu. Và Pháp chỉ xếp ở mức thấp so với các nước châu Âu khác.
Từ thời Thế chiến thứ hai, tiếng Anh đã được người châu Âu ưa chuộng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người trẻ ở châu Âu, từ Stockholm cho đến Slovenia, nói được thứ tiếng Anh đúng chuẩn có thể sáng ngang với dân bản địa. Khoảng 80% học sinh tiểu học ở châu Âu học tiếng Anh, so với tỷ lệ 60% của năm 2004, và 94% học sinh trung học chọn học ngoại ngữ là tiếng Anh, tỷ lệ cao hơn so với tổng tất cả các thứ tiếng khác cộng lại.
Từ lâu người châu Âu đã rất thích xem các chương trình truyền hình nói tiếng Anh và phim ảnh tiếng Anh, nhưng ở những nước lớn hơn như Đức và Pháp xu hướng rõ ràng hơn rất nhiều. Giờ đây họ sẽ say sưa ngồi xem Netflix có phụ đề tiếng Anh.
Đầu năm nay, Hà Lan vừa mở tòa án thương mại hoàn toàn sử dụng tiếng Anh. Khi phóng viên New York Times thuê 1 bàn làm việc tại khu làm việc chung ở Paris, những người trẻ tuổi mới ngoài 20 ngồi bên cạnh cô – 1 người Colombia, 1 người Đức, 1 người Ý và 1 người Pháp – giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh hết sức trôi chảy và gần như không mắc lỗi. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp khung cảnh đó ở Copenhagen, Berlin và nhiều thành phố khác.
Có vẻ như đây là tin vui đối với những người có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ vì họ sẽ dễ dàng hòa nhập hơn, nhưng đó cũng là một mối đe dọa. Người Anh và người Mỹ sẽ cảm thấy như thế nào khi tất cả mọi người, từ những đứa trẻ tuổi teen đến từ Hà Lan cho đến những hacker người Romani đều có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ của mình?
Các trường đại học ở Mỹ nên dè chừng. Sẽ không còn lâu nữa khi người Mỹ nhận ra rằng những trường đại học top đầu châu Âu cũng cung cấp những khóa học được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và do đó học sinh châu Âu sẽ chẳng còn phải sang Mỹ du học.
Và khi lợi thế tiếng Anh mất đi, các trường Mỹ sẽ phải giảm học phí. Tại KU Leuven, ngôi trường của Bỉ xếp hạng 48 thế giới, các sinh viên từ ngoài EU trả 1.750 euro mỗi năm cho chương trình cử nhân kinh doanh dạy bằng tiếng Anh. Tại ĐH Amsterdam (xếp thứ 62), mức học phí là 9.300 euro mỗi năm cho hệ cử nhân khoa học chính trị. Trong khi đó những trường danh giá nhất của Anh và Mỹ vẫn xếp top đầu nhưng có mức học phí không phải ai cũng đáp ứng được.
Khi cả thế giới đều giỏi tiếng Anh, các cộng đồng nói tiếng Anh sẽ trở nên dễ sao chép hơn và không còn gì là bí mật. Trước bầu cử Mỹ 2016, điện Kremlin đã thuê về những người Nga trẻ tuổi có thể viết bằng tiếng Anh giỏi đến mức họ gần như được coi là người Mỹ trên các mạng xã hội. Nhưng khi có nhiều người giỏi tiếng Anh hơn, những ý tưởng tốt cũng dễ dàng lan tỏa. Hầu hết các tài liệu nghiên cứu khoa học đều được xuất bản bằng tiếng Anh. Mùa xuân vừa rồi, 1 cậu bé 16 tuổi người Thụy Điển đã truyền cảm hứng cho trẻ em trên khắp thế giới đứng lên biểu tình chống biến đổi khí hậu bằng những bài phát biểu bằng tiếng Anh.
Giờ đây tiếng Anh bản xứ có thể không còn là tiêu chuẩn bởi hầu hết mọi người đang giao tiếp với nhau bằng thứ tiếng Anh không phải bản xứ, và kể cả các giáo viên cũng không phải bản xứ. Do đó tiếng Anh sẽ biến đổi.
Những người bản xứ đang mất đi lợi thế cạnh tranh. Vẫn có một số công việc yêu cầu tiếng Anh hoàn hảo, nhưng trong môi trường công sở tiếng Anh tốt đã trở thành yêu cầu tối thiểu chứ không phải là 1 lợi thế nữa.