Tâm lý trên thị trường dầu dần cải thiện
Thị trường dầu chốt tuần thứ ba tăng liên tiếp tính đến ngày 18/1 và nhiều người nghĩ rằng dầu đang trở lại thời kỳ giá lên sau quý IV/2018 tồi tệ nhất lịch sử. Giá dầu Brent phục hồi từ mức đáy dưới 50 USD/thùng vào kỳ Giáng Sinh lên trên 60 USD/thùng hiện nay, và những người lạc quan vào giá mặt hàng này dường như vẫn tin rằng nguồn cung sẽ thiếu hụt.
Giới đầu tư bắt đầu gom vị thế mua đối với dầu thô với tâm lý lạc quan vào triển vọng kinh tế thế giới năm 2019. Theo số liệu của sàn ICE, các quỹ đầu tư và quản lý tài sản khác tăng vị thế mua ròng đối với Brent lên 173 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 15/1. Giới đầu tư tăng vị thế mua ròng đối với mặt hàng này 5 trong 6 tuần gần nhất.
Tuy nhiên, gần như không có vị thế mua mới nào được mở ra.
Giới đầu tư bắt đầu gom vị thế mua đối với dầu thô với tâm lý lạc quan vào triển vọng kinh tế thế giới năm 2019. Nguồn: Financial Times.
Làn sóng mua đối với dầu thô đến từ tâm lý lạc quan của giới đầu tư rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận trong tương lai nhằm ngăn chặn nguy cơ kinh tế suy thoái. Ngoài ra, một loạt yếu tố cơ bản khác cũng cho thấy thị trường dầu đang bước vào vùng giá lên.
Vào thời điểm giá dầu thô xuống dưới 50 USD/thùng, nhiều quỹ đầu tư cho rằng thị trường đã phản ứng quá mức và đây có thể là mức sàn tạm thời của thị trường dầu. Mặt khác, khoảng cách giữa giá dầu WTI của Mỹ và dầu Brent còn khá lớn do sự khác biệt về công suất của hệ thống dẫn dầu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất đều dự đoán giá dầu WTI sẽ xuống đáy 30 USD/thùng và dầu Brent về gần 50 USD/thùng. Với mức giá thấp như vậy, các nước sản xuất dầu lớn của thế giới có thể phải nhanh chóng giảm tăng trưởng sản lượng.
Cùng với đó, Arab Saudi, Nga và các nước đồng minh bắt đầu bước vào đợt giảm sản lượng mới kể từ tháng 1 để “cứu” giá dầu thô. Dù chưa đi được bao xa và chưa rõ các nước sẽ tuân thủ thỏa thuận mới này như thế nào, Arab Saudi từng tuyên bố rằng sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn đà trượt giá của dầu thô.
Một yếu tố khác khiến giới đầu tư thay đổi tâm lý với dầu thô là xuất khẩu dầu Iran đang cho thấy sự suy yếu vì lệnh trừng phạt từ Mỹ. Trong năm 2018, xuất khẩu dầu thô của quốc gia Trung Đông này giảm gần 60% xuống còn hơn 1 triệu thùng/ngày dù Mỹ từng miễn trừng phạt cho 8 khách hàng của Iran trong 180 ngày.
Thậm chí trước khi lệnh miễn trừng phạt của Mỹ được thông báo, một số chuyên gia dự báo Washington sẽ thành công trong việc đưa xuất khẩu dầu của Iran về dưới 1 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, giá dầu thô có thể phục hồi lên 60 USD/thùng một phần khác nhờ bối cảnh thị trường thế giới, với chứng khoán ổn định hơn và đồng USD suy yếu.
Tại sao thời kỳ giá lên của dầu lại đến chậm chạp?
Giới giao dịch và chuyên gia chỉ ra hai yếu tố khiến giá dầu phục hồi chậm và liên tục biến động thất thường là nỗi sợ và sự mất niềm tin.
Trong đó, yếu tố sợ hãi là điều dễ hiểu khi mà giá dầu thô từng giảm 40% trong quý IV/2018, khiến nhiều nhà đầu tư bị “bầm dập”. Lo ngại lớn hơn về dài hạn đối với cả ngành dầu mỏ và những người đang đặt cược vào giá dầu thị trường dần mất niềm tin vào tính ổn định của thị trường dầu để duy trì đà tăng trong kỷ nguyên dầu đá phiến Mỹ.
Năm 2019 dường như vẫn là một năm khó tăng giá của dầu thô. Nguồn: Reuters.
Năm 2018 dạy cho giới đầu tư một bài học rằng mỗi khi giá dầu Brent vượt 65 USD/thùng thì các công ty đá phiến dầu của Mỹ sẽ tăng sản lượng với tốc độ chóng mặt. Nói cách khác, rủi ro địa chính trị sẽ trở thành những yếu tố chỉ có ảnh hưởng ngắn hạn đến nguồn cung và giá dầu. Bởi, ngay khi giá dầu tăng mạnh vì lo ngại thiếu hụt nguồn cung, Mỹ sẽ nhanh chóng lấp đầy sự thiếu hụt đó.
Chính điều này khiến giới đầu tư ngày càng khó đặt vị thế mua đối với dầu thô, nói cách khác, thị trường dầu khó tìm được động lực tăng giá.
Sự bùng nổ của ngành công nghiệp dầu đá phiến tại Mỹ trong năm 2018 khiến giá dầu khó có khả năng duy trì trên 70 USD/thùng trong dài hạn. Những người lạc quan vào giá dầu sẽ vẫn tìm thấy cơ hội nếu họ nhanh chân, nhưng năm 2019 dường như vẫn là một năm khó tăng giá của dầu thô.