Ảnh minh họa
Ngày càng nhiều khách hàng yêu thích dầu Nga
Các gã khổng lồ lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đang tăng tốc mua dầu thô của Nga bởi lí do dầu Nga đang ngày càng rẻ hơn trong khi nhu cầu của Trung Quốc ngày càng tăng khi các biện pháp phòng chống Covid-19 đã được dỡ bỏ.
Theo nguồn tin riêng trong ngành dầu thô, China Petroleum & Chemical Corp (hay còn gọi là Sinopec), PetroChina và CNOOC (Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc) sẽ tăng cường mua các loại dầu của Nga trong những tháng tới. Các lô hàng được mua bao gồm dầu Urals vận chuyển từ các cảng phía tây xa xôi của Nga và dầu ESPO được vận chuyển từ các bến cảng ở Thái Bình Dương.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai khách hàng mua dầu thô hàng đầu của Nga kể từ khi Liên minh châu Âu ban hành lệnh trừng phạt đầu tiên đối với Nga. Trong khi các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc từng thận trọng trong việc mua bán thì các nhà máy lọc dầu tư nhân tăng gấp đôi nhu cầu dầu giá rẻ từ nhà sản xuất OPEC+.
Tuần này, Energy Aspects đã báo cáo rằng nhập khẩu dầu hàng ngày của Trung Quốc từ Nga có thể tăng tới 500.000 thùng trong năm nay lên khoảng 2,2 triệu thùng.
Theo dữ liệu từ dữ liệu theo dõi tàu của Kpler và Bloomberg, các tàu chở dầu hiện đang trên đường từ Nga đến Trung Quốc bao gồm Crudemed và NS Arctic. Cả hai tàu đã nhận hàng từ cảng Primorsk của Nga, nơi dầu Urals thường được bốc dỡ.
Trong khi Liên minh Châu Âu hiện đã loại bỏ dần 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga, thì Bulgaria đã trở thành nước mua dầu thô lớn thứ ba của Nga sau Trung Quốc và Ấn Độ, vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 12 năm 2022.
Cảng Burgas nằm ở Bulgaria là cảng duy nhất ở châu Âu mà dầu của Nga vẫn có thể cập bến sau khi chính quyền quốc gia phương Tây này thành công trong việc vận động Ủy ban châu Âu miễn trừ lệnh cấm vận chuyển dầu bằng đường biển của Nga. Nhập khẩu đã tăng 30% vào giữa năm 2022 và duy trì ổn định sau đó, cho phép nhà máy lọc dầu hoạt động hết công suất 196.000 thùng mỗi ngày.
Vận chuyển dầu thô Nga. Ảnh: Ft
Bán nhiều chưa chắc vui
Tuy nhiên ngày càng nhiều khách hàng mua dầu không đồng nghĩa với việc doanh thu đi lên. Dữ liệu của Bộ Tài chính Nga cho thấy thu nhập ngân sách hàng tháng từ dầu mỏ và khí đốt của Nga đã giảm trong tháng 1 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2020 do tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu vốn sinh lợi nhất từ trước tới nay của quốc gia này.
Doanh thu thuế và hải quan hàng tháng từ việc bán năng lượng của Nga đã giảm 46% trong năm vừa qua. Trong khi giá của dầu Brent chuẩn quốc tế ít thay đổi, giá trung bình hàng tháng của dầu Urals của Nga đã giảm đến 42%.
Moscow đã dùng nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt ( khoảng 11,6 nghìn tỷ rúp – tương đương 165 tỷ USD) - để tài trợ cho chi tiêu ngân sách của mình. Họ đã buộc phải bắt đầu bán dự trữ quốc tế để bù đắp thâm hụt cho các khoản tài trợ cho quân sự. Con số thâm hụt của tháng 1 là 425,5 tỷ rúp ( tương đương 6,05 tỷ USD).
Chi phí vận chuyển cũng là một trong những yếu tố khiến lợi nhuận của Nga sụt giảm. Quãng đường vận chuyển xa hơn cùng với thiếu tàu vận chuyển đã khiến giá cước vận chuyển từ Nga đến châu Á ngày càng đắt đỏ hơn, đè nặng lên lợi nhuận từ dầu thô của Moscow.
Theo Bloomberg, FT, Reuters