Nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump chao đảo hết từ khủng hoảng này tới khủng hoảng khác kể từ khi ông nhậm chức cách đây chưa đầy 2 năm.
Cơn sốt từ chức
Ngày 20-12 đánh dấu sự hỗn loạn đỉnh điểm, dường như thử thách sự kiên định của cả những thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa đang ủng hộ ông chủ Nhà Trắng. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis - nhân vật được trọng vọng và có ảnh hưởng ổn định trong chính quyền - đã nộp đơn từ chức sau khi tranh cãi với ông Trump về chính sách đối ngoại trong cuộc họp tại Nhà Trắng.
Bức thư từ chức công bố sau đó của người đứng đầu Lầu Năm Góc thể hiện những bất đồng chính sách cơ bản giữa hai bên và ngầm chỉ trích sự coi thường của ông Trump đối với các đồng minh ở nước ngoài.
Không chỉ chống lại sức ép hủy quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria, ông Trump hôm 20-12 còn lên kế hoạch rút lực lượng nước này khỏi Afghanistan và đẩy chính phủ Mỹ về phía nguy cơ đóng cửa vì vấn đề ngân sách cho bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Chưa hết, thị trường nhuốm màu ảm đạm, giá cổ phiếu Mỹ trượt dốc giữa lúc giới đầu tư lo ngại chính phủ đóng cửa, tăng trưởng kinh tế chậm hơn và Cục Dữ trữ Liên bang (Fed) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong năm tới.
Ngay cả một số bạn bè gần gũi của Tổng thống Trump cũng thể hiện sự lo ngại sâu sắc về việc chính quyền của ông sẽ đi đến đâu khi nhiệm kỳ đã qua nửa chặng đường. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đồng minh thân cận của ông chủ Nhà Trắng, lên tiếng ca ngợi ông Mattis và công khai thúc giục Tổng thống Trump xem xét lại quyết định rút quân khỏi Syria. Đồng thời, ông cảnh báo rút quân khỏi Afghanistan rốt cuộc có thể dẫn tới một vụ tấn công khác vào nước Mỹ tương tự vụ khủng bố ngày 11-9-2001.
Theo truyền thông Mỹ, chính quyền của ông Trump đang cân nhắc rút khoảng hơn 5.000 quân trong quân số 14.000 binh lính Mỹ ở Afghanistan.
Trong khi đó, lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell bày tỏ nỗi lo vì sự ra đi của ông Mattis xuất phát từ "bất đồng lớn với tổng thống về các khía cạnh chủ chốt của vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ". Theo tổ chức nghiên cứu Brookings, Nhà Trắng của ông Trump đã chứng kiến những biến động lớn nhất về nhân sự cấp cao trong 5 đời tổng thống Mỹ gần nhất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trong một cuộc nói chuyện với báo giới tại Nhà Trắng Ảnh: REUTERS
Khó khăn còn phía trước
Trước mắt tổng thống Mỹ là một năm 2019 khó khăn, nhiều khả năng sẽ bị phủ bóng đen bởi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đối với nghi án chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông thông đồng với Nga. Bên cạnh đó là các cuộc điều tra của quốc hội nhằm vào các hoạt động kinh doanh và người nhà ông Trump cũng như một số thành viên nội các.
Chưa hết, Đảng Dân chủ sẽ giành quyền kiểm soát hạ viện vào tháng 1-2019 và có kế hoạch tận dụng quyền lực này để đào sâu hơn vào quá khứ và chính quyền của nhà lãnh đạo Mỹ.
Những người Dân chủ không bỏ lỡ những diễn biến hỗn loạn ngày 20-12 để công kích ông Trump. "Thật hổ thẹn rằng tổng thống - người đã kéo đất nước vào hỗn loạn, lại đang vung ra một cơn giận dữ khác và nó sẽ làm tổn hại rất nhiều người vô tội. Cơn giận của ông Trump sẽ đóng cửa chính phủ nhưng chẳng mang lại cho ông bức tường (biên giới)" - thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chuck Schumer nói.
Phát ngôn này được đưa ra sau khi hạ viện thông qua dự luật chi tiêu bao gồm 5 tỉ USD xây bức tường biên giới - một dự luật được cho là chắc chắn sẽ bị thượng viện phản đối, từ đó khiến khả năng chính phủ bị đóng cửa sau nửa đêm 21-12 (giờ địa phương) hiển hiện hơn bao giờ hết. Nếu không đạt được thỏa thuận trước hạn chót này, 9 cơ quan chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa.
Điều đó có nghĩa là khoảng 400.000 nhân viên, bao gồm các nhân viên an ninh sẽ tiếp tục làm việc mà không được trả lương, trong khi khoảng 350.000 nhân viên khác sẽ về nhà và cũng không có lương. "Đây là một trong những tuần hỗn loạn nhất mà chúng tôi từng chứng kiến trong chính phủ Mỹ" - ông Schumer khẳng định.