Trước đó, vào ngày 23/10/2017 Uỷ Ban châu Âu (EC) đã rút "thẻ vàng" đối với thuỷ sản khai thác của Việt Nam và đưa ra 9 khuyến nghị mà Việt Nam cần khắc phục trong thời gian 6 tháng (đến ngày 23/4/2018). Sau thời hạn đó, EC sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá việc khắc phục 9 khuyến nghị và xem xét gỡ "thẻ vàng" cho thuỷ sản Việt Nam.
Nếu Việt Nam triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của EC với các minh chứng cụ thể thì tình trạng cảnh báo thẻ vàng sẽ được dỡ bỏ.
Nếu việc triển khai các qui định của EU về IUU có tiến bộ EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu.
Trong trường hợp cảnh báo của EC không được thực hiện hoặc triển khai không hiệu quả, EC sẽ ban hành biện pháp thẻ đỏ, khi đó lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ được áp dụng.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, để phục vụ cho việc đoàn kiểm tra của EU sang Việt Nam, Tổng cục Thuỷ sản đã thành lập văn phòng IUU, chuẩn bị đầy đủ các tài liệu liên quan phục vụ cho buổi làm việc với EU.
Đánh giá về những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong việc khắc phục "thẻ vàng" của EC, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đến nay, Việt Nam đã hoàn thiện từng bước khuôn khổ 9 khuyến nghị mà EC đưa ra để đảm bảo nghề cá trách nhiệm, bền vững. Các nội dung này đã được đưa vào Luật Thuỷ sản sửa đổi mà Quốc hội đã thông qua cuối năm 2017.
Bên cạnh đó, các tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ; hiệp hội, doanh nghiệp tuân thủ triển khai, còn ngư dân ủng hộ, tích cực tham gia.
Bộ trưởng cho biết, phía EU đã ghi nhận kết quả bước đầu mà Việt Nam đã làm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, các đơn vị thuộc Bộ khi làm việc với EU phải trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, minh bạch nhất và công khai nhất; phải nói rõ những vấn đề đã làm được để EU có thể kiểm chứng.
"Chúng ta không có gì phải giấu giếm lúc này, làm được đến đâu nói đến đó, cái gì làm được để họ ghi nhận, cái gì còn bất cập cần chỉ ra để thời gian tới khắc phục", Bộ trưởng nói.
Về công tác quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu đánh giá lại cơ sở vật chất phục vụ nghề cá bền vững như: bến cảng, cảng cá, khu neo đậu, thiết chế hạ tầng… để có kiến nghị với Chính phủ.
Trong giai đoạn tới phải đầu tư bài bản, căn cơ để xây dựng nghề cá trách nhiệm, hiệu quả. Rà soát lại việc áp dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin… quản lý tàu thuyền, ngư trường để tập trung phát triển trong thời gian tới, đảm bảo phát triển nghề cá hiện đại.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu Tổng cục Thuỷ sản phải kiên trì, quyết liệt, theo dõi thường xuyên, cập nhật mọi hoạt động từ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ cho đến các tỉnh, hoạt động của ngành hàng và hoạt động của ngư dân.