Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, tại chu kỳ mới, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore tiếp tục xu hướng giảm so với 15 ngày trước. Cụ thể, giá xăng RON 92 để pha chế xăng E5 RON 92 có mức giá bình quân giảm còn khoảng 18,6 USD/thùng, giảm 10% so với chu kỳ trước.
Ngoài ra, giá xăng RON 95 bình quân trên thị trường Singapore chu kỳ mới cũng giảm mạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, giá loại xăng này chưa đến 20 USD/thùng, giảm 7%. Bên cạnh đó, giá các loại dầu cũng có xu hướng giảm.
Tại chu kỳ trước ngày 13/4, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu ở mức: 20,643 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 và 21,267 USD/thùng xăng RON 95.
Theo nhận định của giới chuyên môn, trong kỳ điều chỉnh sắp tới (28/4), giá xăng trong nước cũng sẽ theo xu hướng này. Tuy nhiên, do giá xăng hiện tại đã xuống thấp nên dù mức giảm vào khoảng 10% nhưng con số giảm thực không thể quá lớn.
Giá xăng khó có thể giảm quá sâu
Theo đó, giá các loại xăng được dự báo giảm khoảng 200 - 300 đồng/lít. Trong khi đó, các loại dầu có thể giảm lớn hơn. Nếu đúng như dự báo, giá xăng dầu sẽ tiếp tục ghi kỷ lục với chuỗi giảm liên tiếp lần thứ 8.
Ts. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách đánh giá, trên thực tế, trong thời gian qua, giá xăng đã giảm mạnh nhưng do thuế, phí vẫn còn rất lớn nên không thể giảm hơn được nữa. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid – 19 còn rất lớn đối với người dân và doanh nghiệp (DN), do đó, cần có cơ chế giảm bớt các loại thuế, phí.
Ts Thành phân tích, xăng chiếm một phần chi phí không nhỏ trong việc đi lại của người dân và chi phí đầu vào của DN. Hiện tại, tiêu thụ nhiên liệu đang giảm, không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề môi trường, vì vậy, nên có cơ chế để giảm giá xăng càng nhiều càng tốt.
“Trước mắt, có thể cắt giảm một nửa thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu. Sau đó có thể xem xét giảm các loại thuế, phí khác. Bước tiếp theo, tùy vào diễn tiến của dịch, gây khó khăn đến nền kinh tế, ảnh hưởng DN, người dân đến đâu để tiếp tục duy trì hoặc có thể giảm các mức thuế, phí. Việc giảm giá xăng cũng sẽ giúp kéo chỉ số giá tiêu dùng xuống”, Ts Thành nhận định.
Bên cạnh đó, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM tính toán, từ đầu năm đến nay, doanh thu của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa sụt giảm 40%-50% so với cùng kỳ, thậm chí nhiều hơn. Trong khi đó xăng dầu chiếm 36%-40% giá cước vận tải, cộng thêm phí bến bãi, thủ tục hành chính.
Do đó, ông Quản nhận định, dù giá xăng dầu đã giảm mạnh, tuy nhiên, các loại thuế, phí trong mỗi lít xăng vẫn còn chiếm tới 50%-70% giá bán là quá lớn. Vì vậy, cơ quan quản lý cần xem xét cơ chế để miễn giảm bớt trong thời gian này để hỗ trợ DN, thị trường.
“Khi đó sẽ kích cầu được tiêu dùng, người dân đi lại nhiều hơn, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh từ đó giúp ngành vận tải nói riêng và cộng đồng kinh doanh nói chung phục hồi hoạt động lại tốt hơn. Mặt khác, các đơn vị vận tải có thể tính toán giảm thêm giá cước vận tải” ông Quản cho hay.
Trong đề xuất gửi Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương cũng cho rằng cần xem xét điều chỉnh giảm thêm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng sinh học E5 cho phù hợp với thực tế.
Theo đại diện Bộ Công Thương cho biết, hiện tại, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 đang ở mức 3.800 đồng/lít (bằng 95% mức thuế bảo vệ môi trường của xăng khoáng) là chưa phù hợp.
Viện dẫn các kết quả nghiên cứu, Bộ Công Thương cho rằng, việc sử dụng xăng E5 làm giảm đáng kể các khí thải gây ô nhiễm môi trường như khí CO giảm 27,76%, HC giảm 16,23%... so với các loại xăng khoáng thông thường.
Vì vậy, Bộ Công Thương nhấn mạnh cần cân nhắc đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng E5 dựa theo mức độ phát thải chỉ khoảng 75%-80% mức thuế đối với xăng khoáng.