Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, có ý nghĩa chiến lược và lợi thế quan trọng trong việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới.
Vùng miền Trung chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước (14/28 tỉnh, thành phố) với chiều dài đường bờ biển 1.900 km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước, là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Các lĩnh vực, ngành kinh tế biển và ven biển của vùng miền Trung đang tập trung phát triển là: Du lịch và dịch vụ biển; phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp; khai thác, chế biến dầu khí; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành du lịch vùng miền Trung đang trở thành động lực tăng trưởng, ngành công nghiệp không khói của vùng. Năm 2018, toàn vùng đã đón được trên 54 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 11,9 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu nhập từ du lịch đạt gần 121.670 tỷ đồng, bằng 39,8% số lượt khách quốc tế, 32,6% lượt khách nội địa đi lại giữa các địa phương ở Việt Nam và bằng 19,4% tổng thu nhập du lịch cả nước.
Về khai thác các cảng biển khu vực miền Trung, theo quy hoạch, vùng miền Trung có 14 nhóm cảng biển, trong đó 8 nhóm cảng biển loại I là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực.
Tuy nhiên, thực tế trừ một số cảng đã quá tải như cảng Tiên Sa, Đà Nẵng và các cảng chuyên dụng tại Nghi Sơn, Dung Quất thì hoạt động của nhiều cảng biển trong khu vực chỉ dưới dạng gom hàng, sau đó chuyển đến các cảng lớn như Hải Phòng, TP.HCM… xuất đi các nước. Do đó, hiệu quả kinh tế không cao, hoạt động không hết công suất.
Về công nghiệp biển, khai thác dầu khí, hiện nay trên địa bàn có 2 dự án lọc dầu quy mô lớn đang hoạt động là Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Ngoài ra, còn có nhà máy sản xuất polypropylene Dung Quất, công suất 150.000 tấn/năm đi vào vận hành thương mại từ tháng 7 năm 2010.
Về nuôi trồng và khai thác hải sản, chất lượng và hiệu quả nuôi trồng có nhiều chuyển biến; đã hình thành một số vùng nuôi tôm thâm canh theo mô hình VietGAP với quy mô diện tích lớn. Số lượng tàu cá khai thác hải sản xa bờ tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng; số lượng tàu cá đóng mới có công suất lớn tăng nhanh, đặc biệt là loại tàu có công suất trên 400 CV...
Dự kiến, tại Hội nghị diễn ra vào ngày mai, các ý kiến thảo luận sẽ tập trung vào một số nội dung: Tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền Trung (đánh giá những kết quả, những hạn chế yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai thực hiện, các vướng mắc cần tháo gỡ); giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của vùng miền Trung theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đóng góp lớn hơn vào quy mô kinh tế của cả nước…
Hội nghị cũng sẽ thảo luận về cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố trong vùng miền Trung bứt phá, phát triển bền vững, giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển, trong đó có cơ chế huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng; thể chế, cơ chế điều phối vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động điều phối và liên kết vùng trong thời gian tới.
Hội nghị sẽ nghe báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Trung, tình hình và giải pháp để phát triển kinh tế biển do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày; các báo cáo về tình hình phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, các địa phương, tình hình và giải pháp để phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 36-NQ/TW do lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định , Thanh Hóa trình bày; các báo cáo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có tâm huyết về sự phát triển của vùng.