Phát biểu tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh toàn cầu ngày 14-9, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Chúng ta chưa bao giờ có cơ hội tốt hơn để kết thúc đại dịch. Chúng ta vẫn chưa ở đó nhưng cuối cùng đích đến đã trong tầm mắt".
Tuyên bố trên dựa trên bối cảnh tuần qua, thế giới chứng kiến sự sụt giảm mạnh cả về số ca mắc lẫn tử vong do COVID-19. Theo báo cáo dịch tễ hằng tuần mà WHO gửi các cơ quan báo chí sau cuộc họp báo, tuần qua, thế giới ghi nhận hơn 3,13 triệu ca COVID-19 mới (giảm 28% so với tuần trước) và 10.935 ca tử vong (giảm 22%).
Khu vực "nóng" nhất vài tuần qua là Tây Thái Bình Dương - khu vực WHO xếp Việt Nam vào - giảm tới 36% số ca mắc và 11% số ca tử vong, trong đó quốc gia "đầu bảng" thế giới về số ca mắc nhiều tuần liền là Nhật Bản giảm tới 54%, chỉ còn hơn 537.000 ca mới.
Cuộc sống đã trở lại bình thường ở Nhật Bản dù người dân vẫn duy trì thói quen đeo khẩu trang do số ca mắc COVID-19 còn cao Ảnh: REUTERS
Tại buổi họp báo, WHO cũng khuyến nghị 6 chính sách cho các quốc gia thành viên.
Một là, đầu tư tiêm chủng đầy đủ cho 100% nhóm đối tượng nguy cơ cao nhất.
Hai là, tiếp tục xét nghiệm và giải trình tự gien SARS-CoV-2 để giám sát các biến chủng, tích hợp dịch vụ giám sát và xét nghiệm SARS-CoV-2 với các bệnh đường hô hấp khác bao gồm cúm.
Ba là, bảo đảm có một hệ thống chăm sóc sẵn sàng bệnh nhân COVID-19, tích hợp vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu; lập kế hoạch cho các đợt bùng phát với sự chuẩn bị về vật tư, thiết bị và nhân lực.
Bốn là, duy trì các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế.
Năm là, các chính phủ cần trao đổi rõ ràng với cộng đồng về bất kỳ thay đổi nào trong chính sách phòng chống đại dịch COVID-19.
Cuối cùng, kiên quyết chống lại thông tin sai lệch, phát triển thông tin y tế chất lượng cao ở định dạng kỹ thuật số.
"Chúng ta có thể cùng nhau chấm dứt đại dịch này nhưng chỉ khi tất cả quốc gia, nhà sản xuất, cộng đồng và cá nhân cùng nhau nỗ lực và nắm bắt cơ hội này" - tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.
Tin vui đến với thế giới trong bối cảnh hầu hết quốc gia đã dỡ bỏ gần như toàn bộ hạn chế kiểm dịch để tập trung phục hồi kinh tế. Theo báo The Straits Times (Singapore), kể từ tháng 10-2022, Nhật Bản dự kiến dỡ bỏ yêu cầu đối với thị thực du lịch cá nhân và giới hạn 50.000 người/ngày đối với lượng du khách nhập cảnh.
Khẩu trang đã không còn bắt buộc đeo tại nơi công cộng, ngoại trừ tại cơ sở y tế và trên phương tiện công cộng, ở cả các quốc gia có chính sách nghiêm ngặt nhất như New Zealand.
Hầu như chỉ còn Trung Quốc "đơn độc" với các chính sách kiểm dịch cứng rắn. Theo The Straits Times, đến trưa 15-9 (giờ địa phương), người dân ở siêu đô thị Thành Đô mới được phép rời khỏi nhà và trở lại làm việc nếu có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong 24 giờ, sau 2 tuần chịu phong tỏa nghiêm ngặt.
Vắc-xin được xem là mũi nhọn để tiến tới chung sống bền vững với đại dịch, trên cơ sở vẫn có ca bệnh nhưng dần loại trừ ca nặng và tử vong. Hãng tin Reuters hôm 14-9 trích dẫn tuyên bố của Giám đốc Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu: "Hãy tin tưởng vào bất kỳ loại vắc-xin nào được cung cấp cho bạn", ngụ ý khuyên người dân hãy tiêm chủng khi được khuyến nghị dù quốc gia họ sinh sống đã có vắc-xin 2 thành phần (bổ sung thành phần kháng Omicron) hay chưa.
Sau khi nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Nhật… tuyên bố về chiến dịch tiêm chủng thu - đông bằng vắc-xin 2 thành phần, Israel hôm 14-9 cũng công bố kế hoạch tiêm vắc-xin COVID-19 thế hệ mới từ hãng Pfizer-BioNTech cho tất cả người dân trên 12 tuổi từ cuối tháng 9.