Từ nửa đêm 14-2, đúng ngày vía thần tài ( mùng 10 tháng Giêng âm lịch ), tại Hà Nội, người dân xếp hàng rồng rắn trước các cửa hiệu vàng để mua vàng cầu may. Đặc biệt, khách hàng tập trung tại phố vàng Trần Nhân Tông đông nghịt.
Tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, hàng trăm người xếp hàng dài chờ đến lượt mua vàng. Thậm chí do lượng khách mua quá đông, phía Bảo Tín Minh Châu thông báo tạm không mua vào vàng với số lượng nhỏ, chỉ giao dịch từ 50 chỉ trở lên nhưng khách hàng phải nhận tiền vào hôm sau. Cửa hàng này cũng bố trí nhân viên cung cấp nước uống và đồ ăn vặt cho khách hàng.
Tương tự, tại cửa hàng Phú Quý, tiệm này trải thảm đỏ để đón khách tới mua vàng ngày thần tài. Ngay sau khi mở cửa, hàng chục người ngay lập tức ùa vào để mua vàng. Năm nay, ngoài các loại vàng quen thuộc như thần tài, phú quý, nhẫn tròn trơn, trang sức..., các cửa tiệm đua nhau tung sản phẩm heo vàng để hút khách hàng.
Nhu cầu mua vàng tăng đột biến vào ngày thần tài giúp các nhà kinh doanh vàng bội thu. Ảnh: THÙY LINH
Tại TP.HCM, lượng người đến mua vàng cũng rất đông. Do nhu cầu mua vàng ngày thần tài tăng đột biến nên trong phiên giao dịch hôm qua giá vàng nhảy loạn xạ, có nơi đẩy giá bán ra đối với vàng miếng SJC lên đến 37,5 triệu đồng/lượng (cao hơn tiệm vàng khác 200.000 đồng, thậm chí 350.000 đồng).
Bên cạnh đó, khoảng cách giữa giá mua bán chênh lệch rất cao. Cụ thể, nếu ngày 13-2, giá mua bán vàng miếng SJC chỉ vênh nhau khoảng 70.000 đồng/lượng thì sang đến hôm qua, chênh lệch giữa hai chiều mua bán đã bất ngờ tăng lên 300.000-450.000 đồng/lượng. Thậm chí tại DOJI, chênh lệch giữa giá bán ra đối với vàng miếng SJC vọt lên mức 900.000 đồng.
Không chỉ vậy, một số cơ sở kinh doanh đẩy giá bán vàng lên cao nhưng lại hạ giá mua vào xuống rất thấp. Theo một số chuyên gia, với chiêu thức này, ngày thần tài hôm qua là ngày hốt bạc của doanh nghiệp vàng.
Nhiều năm trở lại đây, cứ sau ngày thần tài, giá vàng lại lao dốc. Ví dụ năm 2018, nếu mua vàng vào ngày thần tài và bán ngay sau đó, người mua lỗ khoảng 600.000-800.000 đồng/lượng. Theo tính toán, nếu xu hướng tiếp tục tái diễn, sau ngày thần tài năm nay, người mua vàng có nguy cơ lỗ khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Năm 2019, vàng sẽ lấp lánh trở lại?
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), nhận định “thị trường vàng 2019 có hứa hẹn”. Lý do là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố giảm số lần tăng lãi suất trong năm 2019 còn hai lần, do vậy đồng USD nhiều khả năng sẽ không còn duy trì được xu hướng tăng giá so với các đồng tiền khác trong năm 2019. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đang tới hồi quyết liệt. Hai nền kinh tế lớn nhất nhì trên thế giới căng thẳng chắc chắn sẽ ảnh hưởng phần nào tới nền kinh tế các nước.
Trước nguy cơ biến động của thị trường vĩ mô cũng như rủi ro địa chính trị tăng cao sẽ làm cho nền kinh tế thế giới mang tâm lý bất ổn. “Khi thị trường tiền tệ thế giới chao đảo thì chắc chắn vàng sẽ lên ngôi và trong bối cảnh đó, nhà đầu tư sẽ lại tìm đến vàng như là một kênh trú ẩn an toàn. Do đó, trong năm 2019 giá vàng có thể biến động” - ông Hải nhận định. Doanh nghiệp trúng đậm Nhu cầu mua vàng tăng đột biến ngày thần tài là cơ hội của các nhà kinh doanh vàng.
Sacombank-SBJ dự kiến cung ứng ra thị trường các loại vàng ép vỉ với số lượng gấp đôi năm ngoái. “Tất cả sản phẩm này được bán thông qua kênh bán sỉ là các tiệm vàng với doanh thu bán sỉ dự kiến tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2018” - lãnh đạo Sacombank-SBJ chia sẻ.
Công ty Vàng bạc đá quý Doji cho biết dịp vía thần tài năm 2018, công ty này đã bán ra đến 260.000 sản phẩm, tăng 50% so với năm trước. Năm nay đơn vị này cung cấp khoảng 300.000 sản phẩm cho dịp thần tài, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.
Công ty PNJ cũng cho biết dịp thần tài năm 2018 đã bán ra 169.000 sản phẩm vàng các loại, doanh thu ước 750 tỉ đồng.