Mặc dù đã sẵn sàng bán ra cổ phiếu từ rất sớm nhưng nhiều người trong số các nhà đầu tư Trung Quốc đã không kịp bán ra trước khi cổ phiếu rơi về giá sàn. Ngoài 162 cổ phiếu, phần còn lại của gần 4.000 mã niêm yết trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến đều giảm mạnh với 90% giảm hết biên độ mà Trung Quốc cho phép trong một phiên giao dịch.
Mảng sáng duy nhất trên thị trường chứng khoán Trung Quốc là các cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe khi các nhà đầu tư cho rằng chúng sẽ hưởng lợi từ dịch cúm Vũ Hán đang bao trùm Trung Quốc.
Ông Li Changmin, quản lý quỹ Snowball Wealth ở Quảng Châu, cho biết: "Đợt bán tháo diễn ra rất nhanh và dữ dội".
Dù đã quen với những cú giảm mạnh trong thời gian gần đây nhưng phiên giao dịch đầu tiên của năm mới theo âm lịch được mô tả là nghiêm trọng hiếm gặp. CSI 300 Index đã giảm tới 9,1%, mức giảm hiếm gặp trong toàn bộ 15 năm lịch sử của nó. Số lượng cổ phiếu chất sàn nhiều tới mức các nhà đầu tư phải mất nhiều ngày để có thể bán hết, cảnh báo thời gian bán tháo sẽ kéo dài.
Bruce Yu là một trong những người lo lắng về tình trạng bán tháo khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại và lên kế hoạch bán ra vào thứ 6 tuần trước. Tuy nhiên, phần lớn các giao dịch của Yu đã không thể thực hiện được trong ngày hôm nay. Thậm chí, họ còn không biết mình có thể bán ra được cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 4/2 hay không.
Dịch cúm bùng lên khắp Trung Quốc, dẫn tới hàng loạt lo ngại cho nền kinh tế, bao gồm cả sự sụt giảm sốt lượng việc làm, là nguyên nhân chính của đợt bán tháo này. Ở Thượng Hải, nhà chức trách quyết định kéo dài kỳ nghỉ lễ tới cuối tuần trong khi Bắc Kinh khuyến khích người dân làm việc ở nhà vì lo sợ dịch cúm lây lan.
Phiên giao dịch ngày 3/2 là cơ hội đầu tiên để các nhà đầu tư có thể mua bán cổ phiếu kể từ khi thị trường nghỉ giao dịch hôm 23/1 để chào đón năm mới. Trong hơn 10 ngày qua, dịch cúm Vũ Hán làm Trung Quốc điên đảo với 361 trường hợp tử vong và hơn 17.200 trường hợp nhiễm bệnh. Cú bán tháo là điều đã được dự báo trước nhưng các động thái cam thiệp không tỏ ra hiệu quả.
Các nhà quản lý quỹ liên tục gọi điện tới các nhà đầu tư để trấn an họ cũng như tránh một đợt bán tháo như những gì diễn ra năm 2018. Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc cũng tiến hành các bước đi nhằm hỗ trợ thị trường cũng như trấn an các nhà đầu tư. Thậm chí, việc NHTW Trung Quốc cam kết bơm thêm 21 tỷ USD thanh khoản cũng không mấy phát huy hiệu quả.
"Tôi nhìn thị trường mở cửa trước khi cầm lấy cần câu và đi ra khỏi nhà. Bạn chẳng thể làm gì khác được. Tôi biết thị trường hôm nay sẽ xấu nhưng không nghĩ nó lại thê thảm đến mức độ này", Ming Ming, phó chủ tịch Baptized Capital - công ty đầu tư có trụ sở tại Thượng Hải, chia sẻ.
Tuy nhiên, vẫn có những người đủ can đảm để mua khi những người khác tháo chạy. Khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hỗ trợ nền kinh tế và thúc đẩy thị trường bằng cách cung cấp nguồn vốn ngắn hạn cho các ngân hàng và cắt giảm lãi suất, các nhà đầu tư đã mua vào lượng cổ phiếu trị giá 2,6 tỷ USD thông qua các kênh trao đổi, số tiền lớn thứ 2 từng được ghi nhận.
"Mua vào là tất cả những gì tôi đang làm. Tôi đã trải qua những biến cố lớn và tôi nghĩ đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp", Hou Anyang, đối tác tại Shenzhen Frontsea Asset Management, chia sẻ.
Bùng phát từ cuối năm 2019, cúm Vũ Hán được dự báo sẽ trở thành gánh nặng tiếp theo với nền kinh tế Trung Quốc. Trước đó, chiến tranh thương mại với Mỹ hay dịch tả lợn châu Phi đã đẩy đà tăng trưởng của Trung Quốc xuống thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Không chỉ ở Vũ Hán, hình ảnh đường phố vắng tanh có thể được bắt gặp trên khắp Trung Quốc. Thậm chí, cả thiên đường cờ bạc Ma Cao cũng đã lâm vào tình cảnh tương tự. Việc các hãng hàng không ngừng khai thác đường bay đến và đi từ Trung Quốc cộng với các khuyến nghị công dân không đến Trung Quốc của nhiều quốc gia khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
Ngành du lịch Trung Quốc nối dài danh sách những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch cúm.