Giá vàng miếng SJC trên toàn quốc hôm nay không ghi nhận biến động nhiều so với hôm qua. Cụ thể, giá giao dịch vàng miếng SJC ở Hà Nội sát ngày Thần tài hiện đang là 75,8 - 78,4 triệu đồng/lượng ở 2 chiều mua vào và bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh giảm 400.000 đồng ở chiều mua và giảm 20.000 đồng ở chiều bán.
Tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), giá vàng SJC mua vào ở mức 76,05 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 78,15 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn tròn trơn mua vào - bán ra ở mức 6,478 - 6,588 triệu đồng/chỉ.
Còn Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện niêm yết vàng SJC ở mức 75,75 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 78,35 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn trơn mua vào ở mức 6,420 triệu đồng/chỉ và bán ra ở mức 6,565 triệu đồng/chỉ.
Tại Phú Quý, giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 75,8 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra ở mức 78,1 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn Phú Quý 999.9 giao dịch ở mức 6,47 triệu đồng/chỉ và 6,590 triệu đồng/chỉ.
Một viên nhà vàng trên phố Trần Nhân Tông cho biết, dù kinh tế khó khăn nhưng lượng khách năm nay vẫn tăng nhẹ so với mọi năm. Bên cạnh đó, sản phẩm nhẫn vàng trơn được khách hàng ưa chuộng, chọn mua nhiều nhất vì phù hợp với túi tiền. Hầu hết khách hàng đều đến mua một lượng vàng nhỏ với tâm lý cầu may.
Theo dữ liệu những năm gần đây, thông thường, giá vàng trong nước sẽ bị đẩy lên cao trong suốt buổi sáng do nhu cầu mua vàng của người dân tăng cao và giảm dần vào cuối ngày vía Thần Tài. Những ngày sau đó, giá vàng có xu hướng "hạ nhiệt", đặc biệt là trong ngày 11 tháng Giêng (tức ngày 20/2).
Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tăng từ 8% - 10% so với tháng thường và tăng tương đương Tết năm trước. Điều này phản ánh phần nào vị thế "phòng thủ" kinh tế của người dân.
Dù vậy, tại "phố vàng" Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), sáng ngày 18/2, nhiều cửa hàng vàng tấp nập người dân tới giao dịch, thậm chí khách hàng phải xếp hàng chờ hàng giờ mới tới lượt mua vàng.
Phía Bảo Tín Minh Châu cho biết, doanh nghiệp này đã "bật" công tác phục vụ khách hàng tuần lễ Thần Tài. Theo chia sẻ, Bảo Tín Minh Châu đã chuẩn bị sẵn sàng số lượng lớn vàng và trang sức, mở rộng các quầy quỹ nhằm phục vụ nhu cầu mua của khách hàng dịp vía Thần Tài năm nay.
Có mặt từ sớm tại Bảo Tín Minh Châu, chị Nguyễn Hạnh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, không nghĩ hôm nay đã đông như này. "Tôi có mặt ở đây từ 8h mà đã phải xếp hàng số thứ tự 10 rồi, không nghĩ đông như vậy vì chưa phải chính ngày. Hôm nay, tôi đi mua vì mai ngày thứ 2 không xin nghỉ việc nên phải đi sớm hơn, tôi muôn mua nhẫn trơn cho may mắn", chị Hạnh chia sẻ.
Ghi nhận tại cửa hàng, vẫn có khoảng 45% khách hàng giao dịch bán vàng ngày này nhằm "chốt lời". Tạm tính, nếu mua vàng SJC trong ngày vía Thần Tài 2022 với giá 62,67 triệu đồng/lượng và giữ đến thời điểm này (17/2) với mức mua vào của các doanh nghiệp hơn 76 triệu đồng lượng thì đã lãi hơn 13 triệu đồng/lượng, tương ứng lãi khoảng 22% (cho 2 năm nắm giữ). Và so với giá vàng ngày Thần tài năm 2023, người giữ vàng đã lãi hơn 13% sau gần 13 tháng nắm giữ (do năm Nhuận).
Trái ngược với tình trạng tấp nập tại Bảo Tín Minh Châu, cửa hàng vàng Phú Quý, Doji ghi nhận tình trạng vắng vẻ hơn. Nhiều khách hàng cho biết, do Bảo Tín Minh Châu từ trước tới nay có đa dạng các loại vàng hơn so với các cửa hàng khác. Do đó, người dân chọn giao dịch tại Bảo Tín Minh Châu để có thêm nhiều sự lựa chọn.
Dù thị trường vàng trở nên náo nhiệt những dịp sát ngày vía Thần Tài, nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu vẫn khuyến nghị người dân cần theo dõi sát sao thị trường vàng qua các kênh chính thống, chọn địa chỉ giao dịch chính thống và không nên theo trào lưu mua vàng "lướt sóng" bởi dễ gặp rủi ro.