Phiên giao dịch hôm nay (18/6), Vn-Index lập đỉnh lịch sử khi đóng cửa ở mức 1.377,77 điểm, tăng 17,85 điểm tương đương tăng 1,31%, giá trị giao dịch vẫn duy trì ở mức cao trên 1 tỷ USD, đạt 23.734 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, Vn-Index tăng 24,8% trong khi Vn30-Index tăng 36,53%.
Đã có động thái kéo giá ở nhóm ngân hàng cũng như các trụ cột của thị trường trong ngày hai quỹ ETF là FTSE Vietnam ETF và Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) cơ cấu danh mục.
Trong nhóm Vn30, Vietcombank sau một thời gian dài đi ngang ở vùng giá 100.000 đồng/cp bất ngờ tăng 4,1% lên 108.500 đồng/cp, tiếp sau là MSN tăng 3,4% lên 106.500 đồng/cp và VHM tăng 3,2% lên 112.000 đồng/cp, PNJ tăng 2,6% lên 98.000 đồng/cp. Công lớn trong việc kéo dòng tiền quay trở lại thị trường ngày hôm nay thuộc về MBB khi cổ phiếu ngày ngay từ phiên mở cửa ATO đã được kéo giá, tạo sự hưng phấn cho nhóm cổ phiếu ngân hàng, cùng với CTG, HDB, TCB tăng giá kéo thị trường vượt đỉnh.
Kết quả cuối ngày, Vietcombank vượt Vingroup trở thành doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất TTCK Việt Nam, với giá trị thị trường đạt 402.000 tỷ đồng, cao hơn Vingroup xếp vị trí thứ hai 7.000 tỷ đồng. Lần gần nhất vốn hoá của Vietcombank vượt Vingroup là vào giữa tháng 12/2020, khi đó cổ phiếu VCB dừng ở mức 97.800 đồng, tương đương quy mô vốn hóa đạt hơn 362.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 9,3% tổng vốn hóa toàn sàn HoSE.
Năm 2021, Vietcombank lên kế hoạch tăng tổng tài sản 5%; dư nợ tín dụng tăng 10,5% và có điều chỉnh theo chỉ đạo của NHNN: huy động vốn phù hợp nhu cầu sử dụng vốn, dự kiến là 7%; lợi nhuận trước thuế ngân hàng hợp nhất tăng 11% trong đó riêng lợi nhuận ngân hàng riêng lẻ là 25.000 tỷ đồng, tiếp tục duy trì ngôi vương về lợi nhuận toàn ngành. Tỷ lệ nợ xấu năm nay vẫn sẽ duy trì mức thấp dưới 1%; tỷ lệ chi trả cổ tức là 8%. Đặc biệt năm nay ngân hàng lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ lên trên 50.000 tỷ đồng.
Thực tế thì VCB và VIC đều có mức tăng khá khiêm tốn trong nhóm các trụ cột của sàn HOSE, với mức tăng trên dưới 10% kể từ đầu năm, bên cạnh VNM (-15%), BID (-4%), GAS (+7%), SAB (-12%). Trong khi đó, HPG tăng 70%, CTG tăng 48%, TCB tăng 62%, MBB tăng 78%, FPT tăng 64%, cá biệt VPB tăng 105%, NVL tăng 132% chỉ trong chưa đầy 6 tháng.
Theo MBS, thị trường đã phục hồi thành công sau nhịp điều chỉnh ở những phiên đầu tháng 6, sự trở lại của các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, thép,….chính là động lực giúp chỉ số VNIndex có đỉnh cao mới. Về kỹ thuật, thị trường có thể bước vào sóng tăng mới sau khi vượt thành công đỉnh cũ để hướng đến mục tiêu ngắn hạn ở 1.420 điểm – 1.450 điểm. Trong khi đó, BSC cho rằng VNIndex có thể sẽ duy trì đà tăng và vận động trong khu vực 1350-1390 vào tuần sau.
Nguồn: BVSC
Theo phân tích kỹ thuật của BVSC, Vn-Index vượt đỉnh 1374 điểm với thanh khoản tăng mạnh kèm theo độ rộng thị trường tích cực. Diễn biến này cho thấy dư địa tăng điểm của thị trường có thể sẽ còn tiếp diễn trong những phiên đầu tuần tới. Việc cây nến tuần đóng cửa ở mức giá cao nhất tuần đã giúp chỉ số phủ nhận hoàn toàn áp lực giảm điểm từ cây nến đỏ hình thành trong tuần trước và giúp chỉ số tiếp tục duy trì đà tăng trên khung thời gian tuần.
Sau khi vượt qua vùng đỉnh cũ 1374 điểm, chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự quanh 1405 điểm trong ngắn hạn. Tuy vậy, đà tăng của thị trường sẽ diễn ra với độ dốc thoải và đan xen các nhịp điều chỉnh trong quá trình đi lên. Nhóm các đường MA ngắn hạn sẽ tiếp tục là bệ đỡ cho thị trường trong các nhịp điều chỉnh.