Đấu giá tiền tỷ, nhà đầu tư vẫn “bỏ cọc”… chạy
Sau thời gian đất nền “sốt”, thời điểm này thị trường bất động sản ở địa bàn Nghệ An đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều giao dịch đã bị “bỏ cọc”, một số phiên đấu giá đất có ít người tham gia.
Quyết định của UBND huyện Diễn Châu về việc "Hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất các lô đất tại vùng quy hoạch dân cư các xã: Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ”. |
Thông tin từ UBND huyện Diễn Châu cho biết, huyện vừa có quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất các lô đất tại vùng quy hoạch dân cư các xã: Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ.
Theo đó có 73 lô đất với tổng diện tích 13.418,74 m2 gồm các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ có cá nhân trúng đấu giá đất nhưng đã bỏ cọc với số tiền trên 15 tỷ đồng.
Hiện UBND huyện Diễn Châu đã giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp cùng Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ An II để xử lý số tiền trên theo quy định pháp luật. Theo đó, số tiền trên sẽ được thu nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
Theo tìm hiểu được biết, thời điểm diễn ra đấu giá đất ở các xã trên thu hút lượng người tham gia đông, đất đấu giá tăng cao so với giá đất bình thường tại địa phương.
Tuy nhiên, nguyên nhân khiến nhiều người bỏ cọc là sau thời gian “sốt” đất, hiện nay thị trường đất đang lắng xuống, giá giảm, trong khi một số nhà đầu tư không vay được tiền từ ngân hàng để giao dịch…
Hiện tượng đất đấu giá bị nhà đầu tư bỏ cọc không chỉ diễn ra ở huyện Diễn Châu.
Trước đó, vào tháng 3/2021 xã Nhân Thành, huyện Yên Thành đã tổ chức đấu giá 32 lô đất có giá khởi điểm trên 600 triệu đồng/lô. Trong phiên đấu giá có trên 200 hồ sơ tham gia, tuy nhiên, sau đó chỉ có 18/32 lô đất nộp tiền.
Tương tự ở xã Mã Thành có 36 lô được tổ chức đấu giá vào hồi tháng 5/2021 nhưng chỉ có 12 lô hoàn thành nghĩa vụ tài chính, số còn lại đã “bỏ cọc”.
Được biết, tính đến nay, huyện Yên Thành có khoảng trên 40 lô đất còn tồn đọng sau đấu giá tập trung ở các xã Nhân Thành, Mã Thành, Khánh Thành, Vĩnh Thành…
Còn huyện Đô Lương cũng đang có trên 20 lô đất đã trúng đấu giá nhưng "bỏ cọc", tập trung ở các xã Lạc Sơn, thị trấn Đô Lương, Thượng Sơn...
Thị trường xuống giá , nhà đầu tư lao đao
Khu quy hoạch vùng đấu giá đất ở huyện Yên Thành. |
Thị trường tại đây từng có thời điểm giao dịch sôi động, người xe về xem đất nườm nượp khiến giá đất tăng vọt, nhất là đất đấu giá “đội” giá lên cấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với giá khởi điểm. Tại địa bàn các huyện Đô Lương, thị xã Hoàng Mai, các phiên đấu giá diễn ra khá sôi nổi, có những lô đất đấu giá cao từ 5,5 đến 6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình giao dịch đất ở Nghệ An bắt đầu có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Tại các vùng thôn quê, nườm nượp từng có cảnh đoàn người kéo về mua bán đất giờ đây tĩnh lặng, không còn người xe khảo giá, giá đất đã giảm rõ rệt.
Nhiều nhà đầu tư đất ở Nghệ An cho biết, họ đã “lỡ” tay xuống tiền “ôm” các lô đất đấu giá, hồi đầu năm mỗi lô đất khách trả chênh gần 200 triệu đồng nhưng do kỳ vọng giá còn tăng hơn nữa nên họ không bán, ai ngờ thời gian gần đây cần tiền muốn bán thì lại không “thoát” hàng được.
“Không còn cảnh người, xe về xem đất tấp nập như trước, không những thế, số cuộc gọi, tin nhắn hỏi xem đất cũng giảm, thậm chí có những người bỏ cọc, rút tiền không giao dịch”, một nhà đầu tư đất ở Nghệ An chia sẻ.
Đơn cử như ở huyện Diễn Châu, sau thời gian thị trường bất động sản sôi động thì nay trở nên ảm đạm. Nhiều môi giới nhà đất ở Diễn Châu cho biết, mấy tuần nay, số người đi xem đất vắng hẳn, đặc biệt là thị trường đất nền, thậm chí một số người trước đó “cọc” đất nhưng nay xin rút.
Người đầu tư đất ở huyện Đô Lương cũng lao đao vì lỡ “ôm” đất nền đầu tư. Lúc thị trường sốt nóng thì vay mượn khắp nơi lao vào đầu tư, nay thị trường hạ nhiệt thì rao bán không ai hỏi, buộc phải cắt lỗ để lấy tiền trả nợ.