Phối cảnh dự án Nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm ngành giày cao cấp do Công ty TNHH Shun An (Đài Loan) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 10 triệu USD
Điểm sáng trong thu hút đầu tư
Qua hơn 13 năm thành lập, chính quyền và nhân dân thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đã nỗ lực phấn đấu đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, xây dựng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch được chú trọng; quản lý đất đai, đô thị đi vào nề nếp; kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, diện mạo, kiến trúc đô thị có nhiều đổi mới…
Thời gian qua, thị xã Thái Hòa đã thu hút được 6 dự án lớn vào cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ, với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng (trong đó có 1 dự án FDI có tổng mức đầu tư 10 triệu USD).
Cụ thể, dự án Nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm ngành giày cao cấp do Công ty TNHH Shun An (Đài Loan) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 10 triệu USD (tương đương 230 tỷ đồng); dự án Nhà máy may Thái Hòa do Công ty TNHH Bắc Sơn làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng; dự án Xưởng may công nghiệp Tài Vượng do Công ty TNHH Đầu tư Tài Vượng làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 25 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất phụ gia nhựa và màng nhựa do CTCP hóa nhựa Việt Trung làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất, gia công tôn thép Minh Phát do CTCP Minh Phát làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 51,4 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, thị xã Thái Hòa cũng đang xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư 8 dự án với tổng mức đầu tư 4.250 tỷ đồng. Điển hình như, dự án Nhà máy sản xuất cáp điện có tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng (nhà đầu tư đã khảo sát thực địa và làm việc với UBND thị xã); dự án Tổ hợp Chợ trung tâm thị xã Thái Hòa có tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng (nhà đầu tư đã khảo sát thực địa, đang chờ điều chỉnh QH xây dựng); dự án Nhà máy cấp nước sạch thị xã Thái Hòa có tổng mức đầu tư khoảng 880 tỷ đồng (UBND thị xã đang triển khai các thủ tục pháp lý có liên quan);
Dự án Khu bảo tồn di chỉ khảo cổ học Làng Vạc gắn với du lịch sinh thái Làng Vạc với vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng (dự án đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 (QĐ số 2436/QĐ-UBND ngày 7/6/2017)); dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN Tây Hiếu 2 có tổng mức đầu tư khoảng 750 tỷ đồng (dự án đã được đưa vào QH sử dụng đất thời kỳ 2021-2030); dự án Khu khách sạn, dịch vụ tổng hợp (4-5 sao) với tổng mức đầu tư dự kiến 700 tỷ đồng (dự án đã được đưa vào QH sử dụng đất thời kỳ 2021-2030)…
Loạt dự án đô thị đã làm thay đổi diện mạo của thị xã Thái Hòa. Ảnh: Văn Dũng
Đổi mới để thu hút
Tại Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2/7/2021 của Tỉnh ủy Nghệ An, mục tiêu đến năm 2030, thị xã Thái Hòa sẽ trở thành Thành phố trực thuộc Tỉnh, là đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc, một trong những cực tăng trưởng, đổi mới sáng tạo của tỉnh và vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An, từng bước hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại và có bản sắc riêng.
Theo Nghị quyết 02, thị xã Thái Hòa sẽ thúc đẩy phát triển nhanh các loại hình dịch vụ; tiếp tục phát huy vị thế là trung tâm của vùng trong các lĩnh vực có thế mạnh về thương mại, tài chính ngân hàng, bảo hiểm… Đẩy mạnh thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng hệ thống trung tâm hội nghị, nhà hàng, khách sạn. Đồng thời, phát triển đa dạng các loại hình du lịch gắn với kết nối các tuyến, điểm du lịch trong tỉnh và dọc đường Hồ Chí Minh; xây dựng hệ thống hạ tầng dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại; cải tạo phát triển chợ truyền thống, chợ đầu mối, từng bước hình thành các phố chuyên doanh, phố thương mại…
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Phạm Chí Kiên – Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa cho biết, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An cũng như của thị xã Thái Hòa là thu hút đầu tư bền vững để đóng góp các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội về mọi mặt, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương và các vùng phụ cận.
Thị xã làm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh là chuyển từ giải thích, giải trình sang giải quyết
Ông Phạm Chí Kiên – Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa
Theo ông Kiên, quyết tâm của Thị xã là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đồng hành, đeo bám nhà đầu tư để thu hút nhà đầu tư sản xuất kinh doanh vào trong, ngoài cụm công nghiệp. "Ngay từ khi nhà đầu tư vào tìm hiểu đầu tư thì Thị xã sẽ cùng nhà đầu tư xác định, tính toán kỹ về nghành nghề có phù hợp hay không, họ có đáp ứng được điều kiện Thị xã đưa ra không, và Thị xã sẽ thông tin cho họ định hướng phát triển của mình…", ông Kiên nói.
Chủ tịch UBND thị xã Thái Hoà cho hay, khi triển khai thu hút một dự án thì Thị xã sẽ đồng hành với nhà đầu tư và triển khai một kế hoạch chi tiết, trình tự các bước từ khi bắt đầu lựa chọn địa điểm cho đến khi chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch 1/500, phê duyệt hồ sơ kỹ thuật, triển khai xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng… Theo dõi, chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để giải quyết, hỗ trợ các thủ tục cho nhà đầu tư.
Về nguồn lao động trên địa bàn, Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa thông tin, dân số hay số lao động trên địa bàn Thị xã không phải là đông, tuy nhiên, lợi thế của Thị xã là trung tâm khu vực miền Tây Nghệ An, do đó lượng lao động từ các huyện lân cận sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu lao động cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Thị xã. "Đến hiện nay, các dự án lớn đầu tư vào Thái Hòa cũng đã tuyển đủ lao động, chưa có tình trạng thiếu lao động", ông Kiên nói và cho biết thời gian tới, Thị xã sẽ chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động và có tính bền vững.
Cũng theo ông Kiên, Thị xã đã chỉ đạo hiệu quả việc đổi mới phương pháp làm việc trong nội dung cho ý kiến chủ trương đầu tư các dự án trên địa bàn đảm bảo nhanh gọn, chặt chẽ theo quy định của pháp luật; hạn chế việc bổ sung văn bản, tiết kiệm thời gian, công sức cho nhà đầu tư. Trực tiếp hỗ trợ các nhà đầu tư về lập hồ sơ chủ trương đầu tư, thủ tục pháp lý theo quy định; đồng hành cùng nhà đầu tư để bám sát tiến độ công việc, tham gia cùng nhà đầu tư giải trình các nội dung, hồ sơ có liên quan khi các Sở, Ngành cấp tỉnh và UBND tỉnh có yêu cầu.