Hiện các địa phương nói trên của tỉnh Nghệ An đang tích cực khuyến khích bà con diệt ốc bươu vàng theo phương pháp thủ công, bằng cách thả vịt hoặc dùng thảo dược như lá xoan đâu, lá đu đủ thả xuống những chỗ thấp trũng, đọng nước để dụ ốc tập trung lại và dùng tay bắt đem về tiêu hủy.
Một số địa phương thì dùng thuốc hóa học để diệt ốc bươu vàng, bảo vệ lúa xuân.
Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trồng lúa vụ xuân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang bị ốc bươu vàng tàn phá nặng nề. Ảnh: Mỹ Hà
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Trần Thị Hoa- hộ nông dân trồng lúa tại huyện Đô Lương (Nghệ An) cho biết: “Mới ra tết, tuy thời tiết đang mưa phùn và rất lạnh, nhưng bà con nông dân chúng tôi đã phải ra đồng bắt ốc bươu vàng phá lúa, cấy dặm lại những chỗ lúa bị ốc bươu vàng cắn nát trước đó. Vụ xuân này gia đình tôi gieo cấy 3ha, bây giờ cả 3 ha đều đầy rẫy ốc bươu vàng, mật độ 10 đến 20 con/ 1m2”
Tuy hiện tại thời tiết tại Nghệ An đang có mưa phùn và lạnh, nhưng bà con nông dân vẫn tập trung ra đồng tiêu diệt ốc bươu vàng để cứu lúa. Ảnh: Mỹ Hà
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Xuân –Chủ tịch Hội nông dân huyện Đô Lương cho biết: “Hiện tại huyện đang ra quân diệt ốc bươu vàng bảo vệ cây trồng vụ xuân, nhiều hội viên của hội ở các xã ra sức hưởng ứng, bà con cùng nhau tiêu diệt ốc bươu, có những ngày bắt được hàng tấn ốc bươu vàng trên toàn huyện, như Hội nông dân xã Tràng Sơn, hội viên bắt được hơn 200kg mỗi ngày.”
Để đảm bảo cho môi trường, bà con nông dân chọn các cách tiêu diệt ốc truyền thống như dùng lá xoan đâu, bắt bằng tay, cắm cọc tre cho ốc leo. Ảnh: Mỹ Hà
Không riêng gì huyện Đô Lương, mà Tại những chân ruộng thuộc các xã Nghĩa An, Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn ốc bươu vàng cũng xuất hiện gây hại trên một số diện tích lúa mới cấy của bà con nông dân.
Bà Hoa- một hộ nông dân trú tại xã Nghĩa An cho biết: “Mấy hôm nay tuy thời tiết trở lạnh, thế nhưng gia đình chúng tôi ngày nào cũng ra đồng từ sớm, vụ xuân năm nay gia đình canh tác được hơn 5 sào ruộng, nhưng đã bị ốc bươu vàng cắn phá phần lớn, chồng tôi và các con tôi phụ trách bắt ốc, tôi thì cấy dắm lại những chỗ lúa bị cắn nát, ốc buơu vàng đẻ trứng và sinh trưởng nhanh, không kịp thời tiêu diệt là mất mùa liền”
Nhiều chi hội nông dân bắt được hàng trăm kg ốc mỗi ngày. Ảnh: Mỹ Hà
Tại huyện Con Cuông, theo tổng hợp của cơ quan chức năng, hiện một số trà lúa ở một số địa phương như: Môn Sơn, Lục Dạ, Chi Khê, Châu Khê đã có ốc bươu vàng phá hoại với diện tích khoảng 142 ha, với mật độ 5-7 con m2, cá biệt ở những địa phương mật độ 15-20 con/m2.
UBND huyện Con Cuông đã chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật và các xã hướng dẫn tổ chức cho người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ. Theo bà con, diệt ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công vừa đỡ chi phí vừa bảo vệ môi trường. Bắt vào ban đêm là hiệu quả nhất, vì ốc thường ngoi từ bùn lên đi ăn vào ban đêm.
Mật độ ốc buơu vàng khá dày đặc. 10 đến 20 con/1m2. Ảnh : Mỹ Hà
"Ốc bươu vàng sau khi chúng tôi bắt được thì mang về cho ngan, vịt và xay nhỏ cho gà ăn. Nhiều xã thì họ đào hố chôn để tiêu huỷ. Hoặc nhiều nơi bắt được nhiều thì họ bán cho các trang trại nuôi gia cầm để làm thức ăn. Giá mỗi kg ốc bươu vàng từ 3000đ đến 4500đ/1kg. Vừa bảo vệ lúa vừa có thêm thu nhập". Bà Hoàng Thị Oanh- trú tại Con Cuông cho biết.
Làm việc với phóng viên báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Quang Tùng- Chủ tịch hội nông dân tỉnh Nghệ An nói: “ Hiện nay ốc bươu vàng đang phát triển mạnh trên diện rộng tại địa bàn tỉnh Nghệ An, chúng tôi đã kịp thời khuyến cáo các cấp cơ sở bám sát từng địa điểm để cùng bà con có phương án diệt ốc bươu vàng, bảo vệ vụ lúa xuân...".
Để tiêu diệt ốc bươu vàng, người dân có thể dùng bằng nhiều phương pháp thủ công như: Bắt bằng tay, đào rãnh hai bên để làm khô nước ngoài ra có thể cắm cọc cho ốc bươu vàng lên đẻ trứng rồi bắt hoặc bà con có thể sử dụng phương pháp phun thuốc hóa học để phòng trừ.
Ốc bươu vàng sau khi được đánh bắt có thể làm thức ăn chăn nuôi hoặc tiêu hủy bằng chôn lấp với vôi, hóa chất hoặc đập vỡ. Ảnh: Mỹ Hà