Cái chết của tướng Soleimani đã làm gia tăng sự căng thẳng ở Trung Đông và làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Iran. Mặc dù các thị trường trên thế giới đã phản ứng tương tự nhau vào tuần trước, khi cả ba chỉ số của Mỹ đều bị mất điểm vào hôm thứ Sáu, nhưng kể từ đó, mọi thứ đã ổn định đôi chút trước khi sóng gió lại nổi lên sau khi Iran nã tên lửa trả đũa Mỹ.
Trong khi đó, giá dầu thô nhanh chóng vượt qua 70 USD/thùng, cho thấy sự lo lắng về việc sản xuất dầu ở Trung Đông, còn giá vàng đã tăng lên mức cao nhất trong bảy năm và lợi suất của trái phiếu Mỹ tiếp tục giảm so với mức đầu năm, báo hiệu rằng các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng trước một sự kiện địa chính trị có thể gây ra những tác động sâu rộng. Đây cũng là một liều thuốc thử sớm cho Saudi Aramco, khi cổ phiếu của công ty này đã trượt xuống mức thấp nhất kể từ khi ra mắt trên sàn giao dịch Tadawul vào tháng trước.
Tuy nhiên, thay vì lo ngại rằng căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran có thể bóp nghẹt những tình trạng có lợi cho các thị trường trên toàn cầu, một số chuyên gia phân tích đã có một cái nhìn xa hơn:
"Các sự kiện địa chính trị về bản chất là không thể dự đoán được, nhưng những giai đoạn căng thẳng gia tăng trước đó cho thấy rằng sự tác động lên các thị trường rộng lớn hơn có xu hướng tồn tại trong thời gian ngắn", Mark Haefele, giám đốc thông tin (CIO) tại UBS Global Wealth Management, cho biết trong một bài viết vào hôm thứ Hai.
UBS lưu ý rằng các nhà đầu tư hàng hóa không nên kỳ vọng vào một đợt tăng giá dầu kéo dài, nếu xét đến năng lực dự phòng và kỳ vọng của một thị trường dầu đã được cung vượt mức vào năm 2020. USB cũng cho biết thêm rằng giá dầu thô không thể duy trì ở mức trên 70 USD/thùng. Tuy vậy, ngân hàng đầu tư này cũng mô tả vàng là một cách phòng vệ tốt trước sự bất ổn chính trị, khi dự báo rằng một đồng USD yếu hơn có thể sẽ hỗ trợ giá vàng cao hơn trong năm nay.
John Lynch, chiến lược gia trưởng của bộ phận đầu tư tại LPL Financial, cũng thể hiện một tâm lý tương tự khi nói đến cổ phiếu. Ông lưu ý rằng lịch sử cho thấy chứng khoán phần lớn đã loại bỏ các xung đột địa chính trị trong quá khứ.
Ông trích dẫn nghiên cứu LPL, cho thấy rằng tính trung bình, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones chỉ giảm 2% trong 16 sự kiện địa chính trị lớn từ năm 1990 đến nay, bao gồm Chiến tranh vùng Vịnh, các cuộc tấn công ngày 11/09 và cuộc đổ bộ của Mỹ vào Iraq. Trong khi đó, theo sau mỗi sự kiện, mức tăng bình quân của chỉ số Dow Jones lần lượt là 5% và 7,9% trong ba và sáu tháng sau đó.
"Dù sự leo thang này là nghiêm trọng, nhưng những kinh nghiệm trước đây đã chỉ ra rằng nó có thể không có tác động quan trọng đến các yếu tố cơ bản về kinh tế hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ. Chúng tôi sẽ không bán những cổ phiếu bị rơi vào tình trạng yếu kém do liên quan đến sự kiện này, nếu xét đến sự thật rằng chứng khoán từng vượt qua được những căng thẳng địa chính trị rất dữ dội trong quá khứ", ông Lynch nói.
Vì vậy, trong khi rất nhiều tờ báo liên tục đưa tin cảnh báo rủi ro, một số nhà phân tích vẫn tin rằng sự bất ổn địa chính trị hiện tại là không đủ để khiến cho các thị trường thế giới bị chệch quỹ đạo.
Với những diễn biến mới nhất khi chứng khoán Mỹ phục hồi sau khi xung đột Mỹ - Iran xuống thang, các chuyên gia cho thấy họ tiếp tục đúng với bài học của lịch sử.
Tham khảo: CNBC